Tọa đàm khoa học “Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”
Cập nhật: 28/04/2023 09:23
Trong khuôn khổ đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”, ngày 27/4/2023, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CLKHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng”. Tham dự Tọa đàm có đại diện đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo pháp luật Tp Hồ Chí Minh…. cùng toàn thể viên chức Viện CLKHTT. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CLKHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức 04 Hội thảo lớn, 10 Tọa đàm khoa học, 6 Tọa đàm khảo sát… với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm thực tiễn… nghiên cứu, chia sẻ, trao đổi về những vấn đề có liên quan nhằm thực hiện và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài. Buổi Tọa đàm hôm nay nhằm làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay…
Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng, Viện CLKHTT nêu nhận định “Trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Đảng, nhà nước và xã hội là 03 trụ cột chính -với việc hình thành 03 cơ chế kiểm soát tương ứng - quyết định sự thành bại của sự nghiệp vĩ đại này”; đồng thời, dẫn đề cũng đề cập đến tổng quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; những vấn đề đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay …

Phát biểu tại Tọa đàm, GS. TS Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Đề tài ra đời trong bối cảnh Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng khoá XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” được ban hành, đây là căn cứ quan trọng để nghiên cứu đề tài. Đối với cách tiếp cận, đề tài đã giải quyết được các vấn đề cần nghiên cứu, đã làm rõ đối tượng, nội dung, phương thức kiểm soát hoàn toàn đúng hướng... Bên cạnh đó, đề tài cần có phương thức tiếp cận mới theo cơ chế của tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành TW; cần làm rõ vai trò, nội dung của thể chế kiểm soát quyền lực; đánh giá thực trạng thể chế hiện nay, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; cơ chế đó vận hành trong Đảng như thế nào - cũng là vấn đề cần được làm rõ. Đồng thời, một số vấn đề liên quan đến kiểm soát bên trong Đảng và kiểm soát bên ngoài Đảng… cũng được GS. TS. Võ Khánh Vinh chia sẻ tại buổi Toạ đàm.
GS.TS. Phạm Hồng Thái - Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội khác trong vấn đề kiểm soát quyền lực; đối với các nội dung nghiên cứu đề tài, bên cạnh những vấn đề lý luận đã nêu, đề tài cần nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đặt ra trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của thông tin, báo chí đối với thực tiễn kiểm soát quyền lực, đây là công cụ kiểm soát rất hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng…
Chia sẻ ý kiến của GS. TS. Võ Khánh Vinh nêu trên về cơ chế kiểm soát quyền lực, PGS. TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, đặt vấn đề rằng muốn kiểm soát quyền lực phải hoàn thiện thể chế, vậy cần làm rõ thể chế cần hoàn thiện là thể chế nào và liệu rằng tổ chức Đảng có thể sử dụng bộ công cụ pháp lý của Nhà nước hay không?…
Toạ đàm cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban kiểm tra TW, Thanh tra Chính phủ… chia sẻ các phương thức kiểm soát của Đảng đối với Nhà nước; chia sẻ về quy định thẩm quyền, vai trò của cơ quan này đối với các vấn đề liên quan đến kiểm soát quyền lực; vấn đề kiểm soát quyền lực của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ phía người dân và hiệu quả của kiểm soát của nhóm này mang lại đối với công tác phòng, chống tham nhũng…
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn sự có mặt và đóng góp của các đại biểu tham dự. Các ý kiến của đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề và có đóng góp to lớn cho Ban Chủ nhiệm hoàn thiện kết quả nghiên cứu của Đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng