Phát biểu mở đầu Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT khái quát một số vấn đề chung về cách tiếp cận chuyên ngành, đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu khoa học và đào tạo luật học; đồng thời khẳng định vai trò, ý nghĩa của đổi mới tư duy trong nghiên cứu khoa học, nhấn mạnh đến vai trò của các phương pháp nghiên cứu, trong đó có đề cập đến cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo ngành luật ở Việt Nam hiện nay…
Dẫn đề Tọa đàm do TS. Tạ Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT đưa ra nhận định rằng, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành là cách tiếp cận mới, hiện đại trong nghiên cứu khoa học và đào tạo hiện nay, trong đó có lĩnh vực luật học. Ở Việt Nam, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu luật học là một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng được sử dụng trong nghiên cứu và giảng dạy tại các đơn vị nghiên cứu, cơ sở giáo dục tào tạo trong nhiều năm qua. Phương pháp nghiên cứu đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu và đạo tạo luật học có thể tiếp cận theo 3 nhóm vấn đề: Một là, thông qua việc khái quát chung về các cách tiếp cận nghiên cứu và đào tạo luật học truyền thống theo luật thực định, phân tích xu hướng đổi mới cách tiếp cận nghiên cứu và đào tạo luật học, từ đó làm rõ khái niệm và quan điểm về cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học ở Việt Nam hiện nay; Hai là, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu đào tạo luật học là nhu cầu tất yếu để giải quyết các vấn đề thực tiễn về nhà nước và pháp luật…; Ba là, tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu luật học được thực hiện ở hai góc độ là: Ngành luật trong mối quan hệ, tương tác với các ngành khác và tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nội tại của ngành luật học…
Đề cập đến tư duy tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học, GS. TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam, chia sẻ các cách tư duy tiếp cận về vấn đề này, bao gồm cách tư duy tiếp cận về: Kinh tế học pháp luật, tâm lý học pháp luật, chính sách pháp luật, triết học pháp luật, xã hội học pháp luật, luật học thực định, luật học so sánh và tư duy tiếp cận dựa trên quyền…

Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, để triển khai thực hiện tư duy tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học cần nghiên cứu thực hiện tám nhóm giải pháp sau: i) Đổi mới tư duy nghiên cứu và đào tạo luật học; ii) Hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu và đào tạo pháp luật; iii) Hình thành các tổ chức nghiên cứu và đào tạo tương ứng trong các tổ chức nghiên cứu và đào tạo pháp luật; iv) Xây dựng các chương trình đào tạo có nội dung độc lập, lồng ghép, tích hợp, thống hợp các kiến thức chuyên ngành, đa ngành, xuyên ngành luật học; v) Xây dựng hệ thống các đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành, liên ngành, xuyên ngành về nhà nước và pháp luật; vi) Xây dựng hệ thống các đề tài, luận án, luận văn mang tính chất đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo luật học; vii) Tổng kết thực tiễn nghiên cứu và đào tạo dựa trên cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong lĩnh vực luật học; viii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu đào tạo luật học.
Bên cạnh đó, Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương chia sẻ về các vấn đề phương pháp tư duy nghiên cứu, về phương pháp luận, sự cần thiết trong đổi mới phương pháp tư duy nghiên cứu và cách thức thực hiện đổi mới phương pháp tư duy tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành…; giá trị thực tiễn nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành, đa ngành, vấn đề về tư duy nghiên cứu luật học thực định ở Việt Nam; thực trạng áp dụng phương pháp nghiên cứu ở một số cơ quan hiên nay trong công tác giảng dạy, đào tạo ở trường học, nghiên cứu khoa học về phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, điều tra…
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn cảm ơn sự có mặt, chia sẻ và đóng góp của các đại biểu tham dự, đồng thời khẳng định, buổi Tọa đàm thu được nhiều thông tin, nội dung hữu ích, có ý nghĩa thiết thực trong nghiên cứu và đào tạo luật học với phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, đó là cơ sở để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo luật học ở Việt Nam hiện nay./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng