Phát biểu mở đầu Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức nhiều hội thảo, Tọa đàm khảo sát, Tọa đàm khoa học… với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm thực tiễn đến từ các cơ quan, bộ ngành ở Trung ương và địa phương… nhằm chia sẻ, nghiên cứu, trao đổi về những vấn đề có liên quan nhằm thực hiện và hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài… Buổi Tọa đàm hôm nay nhằm làm rõ vai trò của xã hội trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng, Viện CLKHTT nhận định rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải bao gồm cả kiểm soát từ bên trong (các cơ quan nhà nước) và kiểm soát từ bên ngoài (kiểm soát xã hội). Kiểm soát xã hội gồm kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, báo chí, người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề… Đồng thời, ThS. Phạm Thị Thu Hiền cũng nêu rõ cơ sở chính trị - pháp lý về sự tham gia của xã hội trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng từ phía xã hội, cũng như những vấn đề cần trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe TS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trình bày tham luận với nội dung “Vai trò của người dân, xã hội trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”; ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Viện CL&KHTT tham luận “Kiểm soát quyền lực nhà nước đối với xã hội” và chia sẻ những vấn đề đang đặt ra có liên quan đến kiểm soát quyền lực, trong đó đề cập đến vai trò của xã hội với vai trò là chủ thể kiểm soát và với vai trò là đối tượng bị kiểm soát trong việc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng...

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu tham dự. Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mặt trận, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ những vấn đề trọng tâm của nghiên cứu đề tài, đề cập đến vấn đề lạm dụng quyền lực để tham nhũng và việc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; đề tài tiếp cận theo hướng xã hội kiểm soát quyền lực, chủ yếu là quyền lực công, quyền lực nhà nước và một số quyền lực tư có nguy cơ tham nhũng; tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…
PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - chia sẻ vai trò của xã hội với tư cách là chủ thể kiểm soát quyền lực, những chủ thể có thể tham gia vào kiểm soát xã hội bao gồm người dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội, các phương tiện thông tin đại chúng; Xã hội với tư cách là đối tượng chịu sự kiểm soát, tất cả đều phải theo chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, chuẩn mực quốc gia…
Đại diện đến từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ những vấn đề đặt ra trong chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, trong đó đề cập đến vai trò của tổ chức thành viên; trao đổi cụ thể về tên Tọa đàm, cần chuẩn hóa khái niệm xuất phát từ tên Tọa đàm, để có cách tiếp cận sát nhất với mục tiêu đề ra.
PGS. TS. Đặng Minh Tuấn - ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, đề cập đến kiểm soát của xã hội với quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, cần tiếp cận dựa trên quyền, trao quyền, nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện quyền của các thủ thể có liên quan; cùng với đó, xác định trách nhiệm của nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, giám sát của người dân; bảo vệ những chủ thể đứng ra chống tham nhũng; về mặt chủ thể xã hội, có nhiều chủ thể khác nhau, do vậy cận nhận diện cơ chế, đặc điểm, đặc trưng khác nhau trong kiểm soát…
Bên cạnh đó, Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu trao đổi về vai trò của xã hội trong kiểm soát quyền lực, các nhóm chủ thể trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng với vai trò là chủ thể kiểm soát; nội dung giám sát; hình thức giám sát; cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước; công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng…
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn sự có mặt và đóng góp của các đại biểu tham dự. Các ý kiến của đại biểu đã gợi mở nhiều vấn đề và có đóng góp to lớn cho Ban Chủ nhiệm hoàn thiện kết quả nghiên cứu của Đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng