Tham dự Tọa đàm gồm có Viện CLKHTT, Tạp chí Thanh tra, thanh tra tỉnh Khánh Hòa. Đồng chủ trì Tọa đàm: TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CLKHTT, TTCP; Ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra; Ông Trần Minh Chiến, Chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Minh Chiến, Chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động của Thanh tra tỉnh. Ông Chiến cho biết Thanh tra tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra tỉnh đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh, đặc thù của địa phương và áp dụng có hiệu quả phần mềm xử lý chồng chéo và hỗ trợ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xác minh tài sản thu nhập. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định. Trong năm 2022, đã tổ chức thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 17 sở, nhằm đánh giá và phát hiện một số tồn tại, hạn chế để tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh công tác này. Nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo, Chánh Thanh tra tỉnh khẳng định, Thanh tra tỉnh luôn xác định tầm quan trọng của cơ quan thanh tra trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đó đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 61 kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CLKHTT cho biết, trong bối cảnh ngành thanh tra có sự đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, yêu cầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng và định hướng xây dựng Chính phủ minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển; tiếp cận các tư tưởng mới về sự chuyển dịch vai trò của nhà nước sang quản trị - phục vụ, về trách nhiệm và sự bình đẳng của nhà nước trong quan hệ với các chủ thể xã hội, về sự chuyển đổi quan niệm về pháp luật, thực thi pháp luật, quản lý nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của thời đại…Viện CLKHTT đang đứng trước thời cơ và thách thức về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phục vụ có hiệu quả hơn nữa hoạt động xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quản lý điều hành của Chính phủ, ngành thanh tra, các bộ ngành, địa phương và hỗ trợ hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; nhất là góp phần củng cố, phát triển hoạt động của ngành thanh tra lên tầm cao mới trên một nền tảng khoa học thực sự vững chắc. Trong thời gian tới, Viện CLKHTT sẽ đổi mới theo hướng: Gắn công tác nghiên cứu khoa học với công tác xây dựng chiến lược, thể chế, chính sách; với hoạt động quản lý, điều hành của các chủ thể khu vực công và tư; với hoạt động tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng về chính sách, pháp luật và về kỹ năng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng và quản trị tốt cho các đối tượng có nhu cầu; tăng cường, chủ động khai thác, phát huy các nguồn lực khoa học, tài chính - kỹ thuật trong và ngoài nước phục vụ phát triển sự nghiệp khoa học. Ngoài ra, tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài ngành thanh tra nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, chia sẻ sản phẩm nghiên cứu và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra cho biết, Tạp chí Thanh tra là cơ quan báo chí của Thanh tra Chính phủ với 44 năm xây dựng, phát triển, có chức năng thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận, nghiệp vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các lĩnh vực hoạt động khác; là đơn vị có truyền thống đoàn kết; đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo bài bản, có trình độ; các ấn phẩm của Tạp chí Thanh tra được đảm bảo xuất bản đúng quy định, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hiện nay, bên cạnh việc chuyển tải, thông tin kịp thời các hoạt động của Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra, thì Tạp chí Thanh tra cũng tăng cường tuyên truyền kết quả, thành tích của ngành Thanh tra trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, Tạp chí Thanh xây dựng các chuyên đề để phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền với các nội dung: xử lý sau thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trái phiếu doanh nghiệp; phát triển thị trường cổ phiếu; tín dụng nông nghiệp nông thôn… đã được đông đảo bạn đọc quan tâm, theo dõi, đánh giá cao.
Cũng trong buổi Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi, nhiệt tình, tâm huyết nhằm tháo gỡ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thanh tra; về xử phạt hành chính; về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; về giai đoạn khảo sát chuẩn bị thanh tra; về vai trò và giá trị pháp lý của việc thẩm định kết luận thanh tra; về điều kiện phục vụ, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra… để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, tuyên truyền, trao đổi thông tin kịp thời, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn cũng như hành lang pháp lý trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước các cấp, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị, đóng góp chung vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn các đại biểu đã tham dự, chia sẻ và kết thúc Tọa đàm ./.
Tin: Nguyễn Tuyết
Ảnh: Hữu Thắng