Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn cho biết, mục đích của buổi tọa đàm nhằm làm rõ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng và thực hiện theo thẩm quyền phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp… TS. Văn cũng cho biết, hiện nay số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 120 rất lớn. Ngay tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, có 5 đơn vị sự nghiệp công lập: Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra và Trung tâm Thông tin cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định trên. Phạm vi, đối tượng, nội dung điều chỉnh của Nghị định 120 có tác động khá lớn đển tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập nên còn nhiều vấn đề mong muốn được hướng dẫn, trao đổi, bình luận, chia sẻ làm rõ hơn tại buổi tọa đàm này.
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số đơn vị sự nghiệp công lập (Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Tạp chí Thanh tra, TTCP) đã nêu ra một số vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 120: Thứ nhất, số lượng lãnh đạo cấp phòng bị dư sau khi tiến hành việc sáp nhập (một số phòng sẽ có 2 cấp phó trong khi số lượng người được quy định chỉ từ 7-8 người); Thứ hai, Đề án vị trí việc làm của Thanh tra Chính phủ chưa được triển khai thực hiện, do vậy việc thực hiện Nghị định 120 sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc; Thứ ba, việc triển khai thực hiện Nghị định 120 sẽ có những thay đổi, vướng mắc về chức danh lãnh đạo; Thứ tư, những thay đổi về vấn đề tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập khi triển khai Nghị định này.
Trao đổi và giải đáp về các thắc mắc nêu trên, ông Vũ Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị sự nghiệp công lập cần xây dựng bộ máy tinh gọn hơn (tổ chức bộ máy bên trong). Theo đó, đối với cơ quan Thanh tra Chính phủ, việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong không quá phức tạp, do các bộ ngành đều có các chức năng cơ bản tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của 5 đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay của TTCP. Cụ thể:
- Về điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập: 5 điều kiện được đưa ra gồm: i) Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ii) Đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành; iii) Xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; iv) Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm viên chức và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ hợp đồng lao động. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài thì số lượng người làm việc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; v) Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Về điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập được tập trung vào ba nội dung: i) Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành); ii) Không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; iii) Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập: i) Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; ii) Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; iii) Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; iv) Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về quy định số lượng tối đa cấp phó trên một đơn vị: Nghị định quy định khung về số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; Các đơn vị khác được thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được bố trí không quá 03 người;
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị;
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ (trừ các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ), đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.
Ngoài các đơn vị trên, các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này được bố trí không quá 02 cấp phó.
Về thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập: Chính phủ có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ theo quy định của luật chuyên ngành.\
Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực (trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm a, b khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP (trừ đơn vị thuộc thẩm quyền của Chính phủ); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của luật chuyên ngành và đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị sự nghiệp không thuộc thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì áp dụng các quy định khác tại Chương III Nghị định này.
Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập trước ngày 01/12/2020, các đơn vị không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu phải tổ chức lại trước ngày 31/3/2021. Các đơn vị có số lượng cấp phó nhiều hơn số lượng cấp phó thì trong thời hạn 12 tháng phải sắp xếp số lượng cấp phó của đơn vị theo đúng quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Trường hợp sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập làm tăng số lượng cấp phó của đơn vị so với quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn tối đa 03 năm kể từ ngày thực hiện sắp xếp, cơ quan trực tiếp quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm phù hợp với quy định; chỉ được bổ sung khi số lượng cấp phó thấp hơn quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn cho rằng, các ý kiến thảo luận, đặc biệt là giải đáp của đại diện Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ đã làm rõ những vấn đề được các đơn vị sự nghiệp thuộc TTCP quan tâm; kết quả Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP tại Thanh tra Chính phủ.
Tin: Lan Hương
Ảnh: Hữu Thắng