Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm “Cải thiện chỉ số chi phí không chính thức – Thực tiễn từ tỉnh Thái Nguyên”
Cập nhật: 17/11/2022 10:03
Ngày 16/11/2022, Thanh tra tỉnh Lai Châu phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Thanh tra tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cải thiện chỉ số chi phí không chính thức – Thực tiễn từ tỉnh Thái Nguyên”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu của đề tài Khoa học cấp tỉnh “Cải thiện Chỉ số chi phí không chính thức trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Tham dự Tọa đàm, ngoài công chức cơ quan thanh tra tỉnh Thái Nguyên, thanh tra tỉnh Lai Châu và viên chức Viện CLKHTT còn có các đại biểu là lãnh đạo các sở thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên: Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Tài Nguyên Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Trung tâm tư vấn và Xúc tiến đầu tư. Các đồng chí Nguyễn Thanh Trì, Chánh thanh tra tỉnh Lai Châu, Chủ nhiệm đề tài, đồng chí Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, đồng chí Cao Minh Luận, Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì Tọa đàm.
“Chi phí không chính thức” là một chỉ số thành phần quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI công bố hàng năm. Chỉ số “Chi phí không chính thức” cho thấy mức độ gia tăng của tham nhũng trong các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân… Chỉ số thành phần này của Lai Châu trong những năm qua đều nằm nhóm cuối trong bảng xếp hàng cả nước: năm 2018 đạt 4,71, xếp hạng 60/63; năm 2019, đạt 4,77, xếp hạng 62/63; năm 2020, đạt 5,98, xếp hạng 53/63 . Sự gia tăng của hầu hết các chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới việc chỉ số PCI của tỉnh Lai Châu bị tụt hạng.
Bên cạnh việc xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh, phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chỉ số CPKCT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu tham dự nhấn mạnh những giải pháp quan trọng đã được áp dụng như: sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đao Tỉnh từ xây dựng chính sách, đến quá trình thực hiện cải cách hành chính thông qua thực hiện quyết liệt cơ chế một cửa liên thông, giám sát hoạt động công vụ thông qua việc thành lập “Đoàn kiểm tra công vụ” thuộc UBND tỉnh, cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đặt hiệu quả lên hàng đầu, cơ chế kiểm tra thanh tra chú trọng “tiền kiểm” ở khâu cấp giấy phép đầu tư hơn là “hậu kiểm”, đến việc phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền thông qua việc xây dựng phần mềm “C-thainguyen” là kênh thông tin để người dân và doanh nghiệp phản ánh thực trạng tình hình kinh tế, xã hội với chính quyền. Kết quả xử lý sẽ được báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp giao ban định kỳ…

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Trì cho rằng, vị trí của Thái Nguyên trong bảng xếp hạng PCI là khá cao (năm 2019 xếp thứ 12, 2020 xếp thứ 11, 2021 xếp thứ 28) là kết quả tích cực cho những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh những giải pháp mà Thái Nguyên đã áp dụng là kinh nghiệm quý báu để đề xuất kiến nghị khả năng áp dụng cho Lai Châu và cảm ơn những chia sẻ chân thành, thẳn thắng của các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu, ngoài Thái Nguyên, Đề tài cũng đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Tin: Phạm Huệ
Ảnh: Hoàng Biên