“Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại” (khoản 2 Điều 37).
Nghị định số 136/2006/NĐ ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của luật sư khi tham gia giải quyết khiếu nại. Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có các quyền:
a) Giúp người khiếu nại viết đơn khiếu nại; cùng với người khiếu nại liên hệ với cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc khiếu nại để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
b) Tham gia cùng người khiếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan;
c) Tham gia các giai đoạn khác trong quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Giúp người khiếu nại thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Quy định của Luật khiếu nại, tố cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho luật sự tham gia giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật. Luật sư tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính Nhà nước không chỉ đơn thuần đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thi hành Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), mà còn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người khiếu nại, đảm bảo việc khiếu nại đúng pháp luật, vụ việc khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đáp ứng dược yêu cầu dân chủ hoá trong hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính. Vai trò của luật sư trong giải quyết khiếu nại được thể hiện ở các điểm sau đây:
- Luật sư xác định khiếu nại đó có căn cứ pháp luật hay không. Là người am hiểu pháp luật, luật sư sẽ đưa ra căn cứ để xác định việc khiếu nại đó có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không, có được các cơ quan có thẩm quyền thụ lý không, giúp người khiếu nại tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tình trạng gửi nhiều đơn đến các cơ quan khác nhau.
- Giúp người khiếu nại về trình tự, thủ tục khiếu nại đúng cơ quan thụ lý, tránh tình trạng gửi đơn lòng vòng, vượt cấp kéo dài; khiếu nại đúng thời hạn luật định.
- Luật sư có thể tự mình xác minh, thu thập chứng cứ, phối kết hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại làm sáng tỏ vụ việc. Việc củng cố hồ sơ, chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đánh giá, làm sáng tỏ nội dung vụ việc khiếu nại.
- Trong trường hợp khiếu nại không đúng, luật sư có thể giải thích, thuyết phục người khiếu nại không tiến hành khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính.
- Luật sư tham gia giải quyết khiếu nại sẽ giúp cho cán bộ, cơ quan thụ lý giải quyết có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết; giúp cán bộ giải quyết nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua việc tiếp xúc, làm việc với luật sư, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại.
Trong thời gian qua, sự tham gia của luật sư đã góp phần làm cho việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại tuân theo quy định của pháp luật. Một số địa phương do đánh giá đúng đắn về vị trí, vai trò của luật sư nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại. Theo báo cáo của 5 tỉnh có thống kê, trong 5 năm 2005 – 2009, trong tổng số 11.298 vụ việc khiếu nại được các cơ quan nhà nước giải quyết có 27 vụ việc có luật sư tham gia vào quá trình giải quyết (chiếm 0,24%)
[1]. Tại báo cáo giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong 3 năm (2005-2007) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII cũng đã thống kê: trong tổng số 40.794 vụ việc khiếu nại ở 15 tỉnh và 01 bộ chỉ có 158 vụ việc là có luật sư tham gia (chiếm 0,38%). Các số liệu trên đây chưa phản ánh đúng và đầy đủ thực tiễn của hoạt động này, trên thực tế, số vụ việc khiếu nại luật sư tham gia ngày càng nhiều, diễn ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trong một số ít vụ việc, sự tham gia của luật sư cũng phát sinh những bất cập như: ở cấp huyện, ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa rất ít luật sư; chi phí thuê luật sư cao nên người khiếu nại không có điều kiện thực hiện; nhiều luật sư không muốn tham gia vào việc giúp đỡ người khiếu nại... Vì vậy, mặc dù pháp luật có quy định người khiếu nại được nhờ luật sư giúp đỡ trong quá trình khiếu nại, nhưng trên thực tế, rất ít vụ việc có luật sư tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại. Thông thường, công dân chỉ nhờ luật sư tư vấn, viết đơn giúp, không tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, pháp luật cũng chưa quy định đầy đủ quyền của luật sư khi tham gia vào giải quyết khiếu nại, như: luật sư có quyền đại diện cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, được uỷ quyền để giao dịch trực tiếp với cơ quan công quyền; luật sư có quyền tự mình xác minh, thu nhập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; nghiên cứu hồ sơ vụ việc và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại.
Kiến nghị
- Mở rộng đối tượng được người dân thuê mời trợ giúp tư vấn pháp lý, không chỉ có luật sư, mà có thể là luật gia, các trợ giúp viên về pháp luật của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, bởi lẽ nhiều người dân do hoàn cảnh khác nhau nên không có điều kiện về tài chính để thuê luật sư.
- Trong quá trình giải quyết khiếu nại, đặc biệt là trong các buổi tiếp công dân, các cơ quan hành chính nhà nước nên đề nghị Đoàn luật sư cử luật sư tham gia với tư cách đứng về phía người dân, bảo vệ quyền lợi của dân và tư vấn khách quan, độc lập. Đây là kinh nghiệm được một số địa phương áp dụng và đã thu được những kết quả tích cực, bởi vì có luật sư tham gia giải quyết khiếu nại nên người dân tin tưởng hơn vào các quyết định giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.
- Mở rộng vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính thông qua việc ghi nhận luật sư có quyền đại diện cho người khiếu nại, người bị khiếu nại. Luật sư có quyền tự mình xác minh, thu nhập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại, nghiên cứu hồ sơ vụ việc và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại. Trong trường hợp không có luật sư đại diện thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm mời đại diện của một hoặc một số tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp như: Hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... tham gia giải quyết để bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại.
[1] Báo cáo tổng kết thi hành Luật khiếu nại, tố cáo (từ năm 2005 đến tháng 6/2009) của Thanh tra Chính phủ.
Lê Văn Đức
Viện Khoa học Thanh tra