Thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã tặng hoa chúc mừng toàn thể cán bộ, viên chức Viện CLKHTT nhân Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, đồng thời, chia sẻ những khó khăn với những người làm công tác nghiên cứu. Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh: việc tổ chức hội thảo “Đạo đức liêm chính - Động lực phát triển bền vững sự nghiệp thanh tra” nhân dịp Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam là dịp để biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác khoa học - công nghệ của Thanh tra Chính phủ; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách và kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của công tác nghiên cứu khoa học công nghệ đối với việc xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.
Qua nội dung của một số bài tham luận, ý kiến chia sẻ tử phía các đại biểu tham dự cho thấy đạo đức liêm chính là vấn đề có nội hàm rộng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau: tiếp cận vấn đề đạo đức liêm chính với việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính; các bảo đảm về đạo đức liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; vi phạm đạo đức liêm chính trong hoạt động thanh tra.

Các đại biểu tham dự cũng nhìn nhận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp hiện nay trong các giai đoạn của hoạt động thanh tra đang là mối nguy cơ hiện hữu làm suy giảm chất lượng, hiệu quả, uy tín của ngành Thanh tra và quản lý nhà nước. Các biểu hiện vi phạm thường thấy như chủ thể thanh tra không tuân thủ quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn tiến hành thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; không xử lý, kiến nghị hoặc xử lý, kiến nghị không đúng pháp luật đối với các sai phạm phát hiện qua hoạt động thanh tra; vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thanh tra; nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra và chủ thể có liên quan… Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng suy giảm đạo đức liêm chính nói trên trên là sự kiểm soát của nhà nước và xã hội đối với quyền thanh tra thiếu hiệu quả hoặc bị buông lỏng; một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức liêm chính.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực trao đổi ý kiến về một số giải pháp cần hoàn thiện trong thời gian tới như: các biện pháp bảo đảm về công tác cán bộ; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra trong hoạt động thanh tra; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ thanh tra.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại cuộc hội thảo.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng