Có thể hiểu, Kế hoạch tiến hành xác minh tài sản, thu nhập là văn bản xác định những nhiệm vụ chủ yếu mà Tổ xác minh tài sản, thu nhập phải tiến hành, trình tự, thời gian thực hiện, phương án tổ chức thực hiện và nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ đó nhằm đạt được mục tiêu làm rõ tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập, tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người kê khai tài sản, thu nhập theo nội dung và thời hạn quy định tại quyết định xác minh tài sản, thu nhập.
Để xây dựng Kế hoạch tiến hành xác minh tài sản thu nhập (sau đây gọi là kế hoạch xác minh), cần lưu ý một số công việc sau:
Thứ nhất, xác định thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng Kế hoạch xác minh.
Tổ trưởng Tổ xác minh có thẩm quyền và trách nhiệm chủ trì xây dựng Dự thảo kế hoạch tiến hành xác minh để trình người ra quyết định xác minh ban hành hoặc phê duyệt. Thẩm quyền, trách nhiệm này xuất phát từ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng giao Tổ trưởng Tổ xác minh có nhiệm vụ, quyền hạn xuyên suốt trong quá trình tiến hành xác minh kể từ sau khi có quyết định xác minh cho đến khi Tổ trưởng Tổ xác minh hoàn thành báo cáo kết quả xác minh trình Người ra quyết định xác minh.
Tổ trưởng tổ xác minh có thể trực tiếp xây dựng dự thảo Kế hoạch xác minh hoặc phân công các thành viên trong Tổ xác minh chuẩn bị, đề xuất nội dung của dự thảo kế hoạch xác minh để Tổ trưởng tổng hợp, trình người ra quyết định xác minh ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch. Tuy nhiên, việc phân công thành viên Tổ xác minh nêu trên không thay thế trách nhiệm chính của Tổ trưởng Tổ xác minh trong việc xây dựng và trình ban hành, phê duyệt Kế hoạch xác minh.
Thứ hai, đảm bảo các yêu cầu về thể thức và nội dung của kế hoạch xác minh.
Về thể thức: Hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau, thuộc các nhánh khác nhau trong hệ thống chính trị. Do đó tùy thuộc ở chủ thể thực hiện mà có thể có sự khác biệt nhất định về thể thức văn bản. Đối với các cơ quan Nhà nước thì tại thời điểm hiện nay, thể thức của Kế hoạch xác minh hoặc văn bản phê duyệt Kế hoạch xác minh do Người ra quyết định xác minh ban hành phải đáp ứng yêu cầu về thể thức văn bản theo quy định của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Đối với các cơ quan của Đảng, Tổ chức chính trị - xã hội thì phải đáp ứng yêu cầu về thể thức văn bản theo quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội đó.
Về nội dung: Pháp luật về thanh tra hiện hành có quy định cụ thể về nội dung của Kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra gồm mục đích, yêu cầu; phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn; phương pháp tiến hành, tiến độ thực hiện, chế độ thông tin báo cáo, việc sử dụng phương tiện, thiết bị, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết khác; việc tổ chức thực hiện kế hoạch. Đây là cơ sở để Tổ trưởng Tổ xác minh có thể tham khảo khi xây dựng Kế hoạch xác minh. Tuy nhiên, với yêu cầu của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập thì một bản Kế hoạch xác minh phải xác định cho được tối thiểu một số thành phần như sau:
- Mục đích, yêu cầu của việc xác minh
Mục đích của việc xác minh là nhằm tổ chức các hoạt động kiểm tra, xác minh để trên cơ sở đó báo cáo kết quả xác minh với người ra quyết định xác minh theo những yêu cầu, nội dung đã được đề ra trong Quyết định xác minh. Yêu cầu của việc xác minh là những nguyên tắc, chuẩn mực mà hoạt động kiểm tra, xác minh, báo cáo kết quả xác minh phải tuân theo trên cơ sở các quy định có liên quan và yêu cầu của người ra quyết định xác minh.
- Nội dung xác minh
Đối với việc xác minh tài sản, thu nhập thì nội dung, mục tiêu chung đã được xác định trong quy định của pháp luật và Quyết định xác minh là làm rõ tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đối với Kế hoạch xác minh thì yêu cầu của thành phần nội dung này là phải cụ thể hóa, xác định được những nội dung kiểm tra, xác minh cụ thể, các mục tiêu cụ thể gắn với các nội dung đó; phải đảm bảo nguyên tắc hướng các nỗ lực, nguồn lực của các thành viên tổ xác minh và các đơn vị, cá nhân có liên quan vào việc hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Kế hoạch xác minh phải xác định rất rõ những hoạt động, nội dung nhiệm vụ sẽ thực hiện và có thể dự kiến các kết quả tương lai mà Tổ xác minh cần phải đạt được để trên cơ sở đó có đủ tài liệu, căn cứ để nhận định, đánh giá, kết luận về nội dung xác minh theo Quyết định xác minh. Trong công tác lập kế hoạch xác minh, việc xác định nội dung và mục tiêu cụ thể gắn với từng nội dung là khâu hết sức quan trọng, nhất là việc xác định mục tiêu cụ thể. Mục tiêu đúng đắn và cụ thể thì chúng ta mới có thể thực hiện đúng định hướng của cuộc xác minh, đáp ứng mục tiêu chung và đánh giá được mức độ hoàn thành mục tiêu. Khi xác định nội dung cụ thể và các mục tiêu cụ thể tương ứng, phải chú ý đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, của Tổ trưởng Tổ xác minh và thành viên Tổ xác minh theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm tính thực tế và khả thi: Để có tính thực tế và khả thi, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể phải được xây dựng dựa trên những căn cứ pháp lý, khoa học, những yêu cầu khách quan và có tính phù hợp với điều kiện thực tế, không ôm đồm những nhiệm vụ, mục tiêu không cần thiết làm lãng phí nguồn lực. Không nên lồng ý chí chủ quan, duy ý chí vì dễ làm cho Kế hoạch xác minh trở nên phức tạp, xa vời, không có tính khả thi, không phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện. Ví dụ, để kiểm tra, xác minh về tài sản là tiền gửi ngân hàng của người kê khai thì có thể đề ra trong kế hoạch nhiệm vụ yêu cầu một số hoặc toàn bộ các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quỹ tín dụng ở Việt Nam cung cấp thông tin về tiền gửi của Người kê khai, vợ hoặc chồng của người kê khai. Việc đó là cần thiết nếu xác định mục tiêu thu thập tài liệu, bằng chứng để có thể kết luận được về tính trung thực của người kê khai trong việc kê khai thông tin về tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên đây rõ ràng là một nhiệm vụ không đơn giản vì có hàng trăm các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong cả nước. Nhưng nhiệm vụ này hoàn toàn có thể hoàn thành được trên cơ sở quy định của pháp luật về thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, của Tổ xác minh và trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng.
+ Bảo đảm yêu cầu về thời gian, có thể đo lường, theo dõi được tiến triển: Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì thời hạn hoàn thành báo cáo kết quả xác minh được tính bằng ngày (45 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định xác minh. Trường hợp phức tạp tối đa không quá 90 ngày). Thời hạn cụ thể được xác định trong Quyết định xác minh nhưng không thể vượt quá thời hạn quy định nêu trên. Do đó Kế hoạch xác minh cũng phải xác định cụ thể thời hạn kết thúc, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra mà nhiệm vụ then chốt là việc Tổ trưởng Tổ xác minh ký báo cáo kết quả xác minh gửi người ra Quyết định xác minh. Để bảo đảm yêu cầu về thời gian thực hiện nhiệm vụ thì khi xây dựng Kế hoạch xác minh phải xây dựng được khung thời gian theo dõi tổng thể các nhiệm vụ kế hoạch, trong đó kiểm soát được thời gian thực hiện từng nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải tính toán, sắp xếp các nhiệm vụ kế hoạch logic về trình tự và thời gian hoàn thành để bảo đảm các nhiệm vụ bắt đầu triển khai thực hiện sớm nhất có thể và hoàn thành không muộn hơn thời điểm phải kết thúc của mỗi nhiệm vụ. Chủ động bố trí, sắp xếp thời gian dự phòng cần thiết để có thể đưa ra những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm giảm thiểu những sai lệch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.
+ Lựa chọn phương án cách thức tổ chức xác minh phù hợp, đây là một nôi dung rất quan trọng, quyết định đến kết quả xác minh. Do vậy, bảo đảm cho việc triển khai thực hiện được mục tiêu xác minh, thì Kế hoạch xác minh cần phải thể hiện rõ phương án hợp lý để tổ chức thực hiện với các nội dung như xác định cách thức, địa điểm tiến hành (Ví dụ như làm việc trực tiếp với người được xác minh thì địa điểm làm việc ở đâu; trong trường hợp có trở ngại khách quan thì có thể ứng dụng công nghệ quản lý để làm việc gián tiếp hay không…); áp dụng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh (Khai thác hồ sơ tài liệu mà mình đang quản lý, truy xuất thông tin trong hệ thống dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…); phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xác minh thu thập thông tin, tài liệu bằng chứng của các chủ thể có liên quan đến nội dung xác minh; Phân công, bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ xác minh, theo dõi, quản lý các hoạt động xác minh.
Thứ ba, Kế hoạch xác minh phải xác định rõ nguồn lực kinh phí, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ và các điều kiện khác phục vụ cho công tác xác minh.
Nguồn lực thường là có hạn so với mong muốn trong thực hiện công việc. Vì vậy, một yêu cầu cơ bản là phải đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn lực, được đo lường bằng việc so sánh kết quả mà nó đóng góp vào việc đạt các mục tiêu của Kế hoạch xác minh với những chi phí và các nguồn lực đã sử dụng. Do vậy, việc dự kiến nguồn lực về con người, về các điều kiện vật chất để thực hiện xác minh phải được tính toán, dự kiến, thể hiện trong kế hoạch xác minh. Đồng thời với việc tính toán xác định nguồn lực, Kế hoạch xác minh cũng phải chỉ rõ nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân có liên quan; sắp xếp, phân công thực hiện công việc, các hướng dẫn và chỉ đạo cần thiết, các quy định về trách nhiệm hợp tác và phối hợp thực hiện để bảo đảm bố trí đủ nguồn lực cho hoạt động xác minh và sự phối kết hợp nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu chung là hoàn thành Kế hoạch đề ra.
Tóm lại, việc xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân là vấn đề rất phức tạp. Để đánh giá được tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và nhất là trung thực trong giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thì không đơn giản là chỉ xem xét, xác minh tài sản, thu nhập của người đó theo Bản kê khai, tại thời điểm kê khai hoặc chỉ dựa trên thông tin, tài liệu do người đó cung cấp mà phải xác minh, tìm kiếm các thông tin, tài liệu, bằng chứng khác có liên quan trong phạm vi về thời gian, không gian rộng hơn nhiều hoặc liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, để thực hiện mục đích, yêu cầu của việc xác minh tài sản, thu nhập, công tác xây dựng kế hoạch tiến hành xác minh tài sản, thu nhập phải được thực hiện nghiêm túc, cẩn thận, lưu ý đảm bảo các yêu cầu như vừa phân tích ở trên, việc đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần quyết định hiệu quả của công tác xác minh tài sản, thu nhập nhằm phòng, ngừa tham nhũng./.
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy
Trưởng Khoa Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Trường Cán bộ Thanh tra