Ngày 20 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 và Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật năm 2018) bao gồm 10 chương với 96 điều.
Về người có nghĩa vụ kê khai, tài sản, để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, so với Luật hiện hành, Luật năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý trong khu vực nhà nước. Theo đó, các đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hiện nay gồm: cán bộ, công chức.
• Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
• Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
• Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không đưa ra quy định việc kê khai tài sản, thu nhập đối với nhóm đối tượng là những người giữ chức vụ quản lý tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Vì vậy, nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước, còn đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước không thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.