• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ấn phẩm
  • Thư viện
  • Liên hệ
  • Hỏi đáp
  • Mail
  • Sitemap
  • TIN TỨC
  • NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
  • QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ
  • ĐỐI THOẠI PCTN
  • ĐỀ TÀI KHOA HỌC
  • DỰ THẢO
  • VĂN BẢN PHÁP LUẬT
  • ENGLISH
Hội nghị Đại biểu cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ năm 2020 Phê duyệt Thuyết minh đề tài “Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay” Hội nghị phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ: “Kiểm soát quyền lực trong tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ của cơ quan hành chính nhà nước” Hội nghị phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ: “Kiểm soát quyền lực trọng hoạt động thanh tra” Phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ: “Các điều kiện đảm bảo cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay” Phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ: “Giám sát doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
 
Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và thẩm quyền Xử phạt VPHC của thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ    
Cập nhật: 27/12/2019 11:26
Xem lịch sử tin bài

Gần đây vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm rất được nhiều người quan tâm bởi lương thực, thực phẩm luôn là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu đối với tất cả người dân, đặc biệt nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Do vậy, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Trong khi đó, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế cho Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính), đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hơn thế nữa, để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tại Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Hà Tĩnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Gia Lai. Theo đó, lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo Quyết định được quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bài viết sẽ đề cập đến một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và một số lưu ý trong quá trình thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, bài biết sẽ bao gồm một số nội dung chủ yếu sau:

 

1. Nhận diện vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

 

Vi phạm hành chính về ATTP là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

Xử phạt vi phạm hành chính về ATTP là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về ATTP theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

 

Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP được thiết kế trên cơ sở căn cứ chủ yếu vào Luật ATTP, bên cạnh đó còn căn cứ nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật ATTP, các thông tư của các bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy định bảo đảm ATTP. Các hành vi vi phạm hành chính về ATTP bao gồm:

 

+ Các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm thực phẩm;

 

+ Các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

 

+ Các hành vi vi phạm khác về điều kiện bảo đảm ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

 

+ Các hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; kiểm nghiệm thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

 

2. Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

 

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 5 hình thức xử phạt, bao gồm cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); trục xuất với nguyên tắc áp dụng linh hoạt và cho phép Chính phủ có thể lựa chọn nhiều hình thức xử phạt khác nhau làm hình thức xử phạt chính hoặc các hình thức xử phạt bổ sung đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính để quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với lĩnh vực ATTP, các hình thức xử phạt được quy định như sau:

 

- Hình thức phạt chính: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

 

- Hình thức phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về ATTP có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP từ 01 tháng đến 06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng;Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính  trong lĩnh vực ATTP.

 

Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về ATTP còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về ATTP có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm ATTP; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm VP; tài liệu, ấn phẩm đã phát hành; Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm VP; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển; Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật VP trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

 

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

 

Nhằm đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP được thực hiện một cách có hiệu quả, phát huy vai trò của các lực lượng chức năng có liên quan, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho các chức danh, cụ thể bao gồm: Chủ tịch ủy ban nhân dân; Thanh tra; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển và các cơ quan khác theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính như Quản lý thị trường, hải quan…

 

Bên cạnh đó, nghị định của Chính phủ quy định rõ việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho các chức danh, ví dụ: Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm thuộc địa bàn quản lý; TTCN y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thuộc phạm vi quản lý và nhiệm vụ được giao.

 

Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ ngày 10/6/2019. Theo đó, ở cấp huyện, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là công chức các phòng: Y tế, kinh tế và hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn và viên chức trung tâm y tế. Ở cấp xã, người được giao nhiệm vụ là công chức văn hóa - xã hội, phụ trách nông nghiệp, kinh tế và viên chức trạm y tế. Trong quá trình tiến hành thanh tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành được quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc mở rộng chủ thể thực hiện hoạt động thanh tra được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 47, sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

- Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành trong xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm: Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, tại Điều 46 quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra như sau: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:

 

- Phạt cảnh cáo;

 

- Phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 500.000 đồng;

 

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định;

 

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định .

 

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ thanh tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

 

3. Một số lưu ý khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành phố, trong năm 2015, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra là 22.952, tổng số cơ sở  được thanh tra, kiểm tra là 351.416, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 13.780. Năm 2016, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 462.218, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 18.587. Năm 2017, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 625.060, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 32.579. Năm 2018, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 673.490, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 41.229 cơ sở.

 

Như vậy, trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thanh phố đặc biệt quan tâm, đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức người dân nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó triển khai thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương với sự vào cuộc của các cấp, các nganh có chức năng liên quan như: Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam… Năng lực của các Đoàn thanh tra kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm đúng quy định. Đặc biệt là triển khai công tác hậu kiểm về ATTP thực hiện phương thức quản lý của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Uỷ ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, Việc xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập:

 

- Mặc dù số lượng các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP được phát hiện và xử lý ngày càng nhiều hơn, những so với số lượng thực tế các vi phạm xảy ra vẫn còn khá ít;

 

- Công tác xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chưa được quan tâm thực hiện triệt để ở cấp cơ sở. Việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ATTP tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đang từng bước được triển khai, còn nhiều khó khăn, bất cập, còn chồng chéo, không thống nhất về thẩm quyền xử phạt.

 

- Việc xử lý các trường hợp vi phạm trên thực tế còn chưa nghiêm khắc, các nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính chưa được áp dụng triệt để, thẩm quyền xử phạt của lực lượng thanh tra còn hạn chế, các chế tài áp dụng đối với các vi phạm trong lĩnh vực này còn nhẹ, trong khi hậu quả của hành vi vi phạm để lại rất nặng nề. Trong khi đó, đối tượng vi phạm quá nhiều, hoạt động không tập trung, tính chất buôn bán nhỏ nhặt, người vi phạm có trình độ hiểu biết về pháp luật không cao, … cũng là những khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.

  

 Để khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính, để vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật nhằm giảm tỷ lệ vi phạm hành chính về ATTP, cần lưu ý những vấn đề sau:

 

 Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP: Xác định lĩnh vực ATTP là một lĩnh vực quan trọng và phức tạp trong đời sống xã hội, bởi vậy các quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính, có hướng dẫn cụ thể về xác định mức độ vi phạm; điều chỉnh chế tài xử phạt theo hướng nâng lên đối với mỗi hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, bổ sung những quy định về xử lý chồng chéo về thẩm quyền xử phạt... sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về ATTP trong thời gian tới.

 

Thứ hai, bên cạnh yêu cầu nâng cao trình độ, chất lượng thực hiện công vụ của cán bộ làm công tác thanh tra kiểm tra ATTP (đặc biệt là tập huấn nghiệp vụ thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng). Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức người dân trong việc nhận thức về tác hại của hành vi vi phạm, các quy định, điều kiện do pháp luật về ATTP trong sinh hoạt, cũng như trong hoạt động kinh doanh.

 

Thứ ba, việc xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và đảm bảo hiệu lực của các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm. Cần tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân có thể tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát vấn đề chất lượng ATTP.

 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng trong toàn xã hội. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người. Do vậy, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng thanh tra cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện nghiêm túc các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm./.

 

 

          TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy   

 Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng,                       Trường Cán bộ Thanh tra

Về trang trước Bản in Gửi email Lên đầu trang

Các tin đã đọc
Giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra - (20/01/2021 09:32) Thực trạng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra - (20/01/2021 09:02) Đối tượng thanh tra - Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật thanh tra - (20/01/2021 08:46) Công tác thông tin, báo cáo về hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ - Một số kết quả đạt được và kiến nghị - (20/01/2021 08:28) Cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố - (02/11/2020 09:53) Tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập - thực tiễn và nhu cầu hoàn thiện - (28/09/2020 03:03) Thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước – Quy định pháp luật và thực tiễn thi hành - (12/08/2020 03:53) Tình hình thực hiện và một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra - (27/12/2019 10:58) Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay - (14/10/2019 03:37) So sánh Thanh tra, kiểm tra khu vực công và khu vực tư - (20/08/2019 02:36)
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Liên hệ
  • Trợ giúp

Lên đầu trang

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ KHOA HỌC THANH TRA
Giấy phép số: 149/GP-TTĐT, cấp ngày 13/08/2019
Người chịu trách nhiệm: TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Địa chỉ: 17 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội;
Điện thoại: 024.37470457; Fax: 024.37470458
Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: