Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: “Phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra”
Ngày đăng:  21/12/2023 | 03:57 CH | 341
Ngày 21 tháng 12 năm 2023, Thanh tra Chính phủ tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp bộ: “Phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra” do TS. Tạ Thu Thuỷ, Phó trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, chủ tịch Hội đồng, chủ trì hội nghị.
...

Tại buổi nghiệm thu, TS. Tạ Thu Thuỷ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Với mục tiêu nghiên cứu chung của đề tài là đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và giải pháp tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, Đề tài đa đưa ra quan điểm hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra: Hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra phải xuất phát từ việc bảo đảm các giá trị chung của hoạt động công vụ; các giải pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra phải đề cao yếu tố con người - hoàn thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra là vấn đề cốt lõi từ nội tại; tăng cường giám sát nội bộ nhằm phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra. Trên cơ sở quan điểm trên, Ban chủ nhiệm đề tài đưa ra 02 giải pháp: (1) Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan về phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, trong đó nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định trực tiếp trong pháp luật thanh tra về trách nhiệm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; nghiên cứu, bổ sung chế định cụ thể quy định rõ nội dung của hoạt động thanh tra công vụ trong pháp luật cán bộ, công chức và pháp luật thanh tra; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người tiến hành thanh tra và đối tượng thanh tra; nghiên cứu tích hợp nhiệm vụ quản lý rủi ro cho bộ phận, đơn vị đang có trong cơ quan thanh tra; nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí thu nhập và phân tích khai thác thông tin quản lý rủi ro đầu vào trong hoạt động thanh tra; nghiên cứu xây dựng Bộ quy trình quản trị rủi ro nội bộ; xây dựng cẩm nang nghiệp vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực; (2) Giải pháp tổ chức thực hiện phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra: Nâng tầm tư duy chiến lược đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra; chú trọng công tác chính trị - tư tưởng về sự cần thiết của phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện rủi ro trong hoạt động thanh tra và khẩn trương có phương án xử lý; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh tra; siết chặt kỷ cương, kiểm soát đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, liêm chính, năng lực chuyên môn phù hợp của thành viên Đoàn thanh tra; tăng cường các điều kiện bảo đảm về chính sách cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh tra; tổng kết thực tiễn, đánh giá rủi ro trong hoạt động thanh tra.

Đánh giá đề tài, Hội đồng nghiệm thu chính thức nhận xét, Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, đã nêu được các rủi ro trong thực tiễn, đánh giá được thực trạng có tính khái quát cao. Nội dung nghiên cứu đề tài đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra, đánh giá cao tính ứng dụng của các giải pháp, đã tạo ra hành lang an toàn trong việc áp dụng pháp luật của người làm công tác thanh tra. Đề tài đã tiếp cận ở nhiều góc độ, góp phần cho hoạt động thanh tra được đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề tài có thể làm rõ thêm một số  khó khăn, vướng mắc trong các giai đoạn tiến hành thanh tra.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng, Đề tài được xếp loại Xuất sắc./.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng