Lịch sử hình thành và phát triển
Xác định công tác nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống lý luận về ngành thanh tra, trực tiếp xây dựng cơ sở cho việc ban hành chính sách - pháp luật và hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của ngành thanh tra; căn cứ Quyết định số 210/KHNN ngày 21/3/1992 của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc công nhận Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) là một đầu mối kế hoạch khoa học của Nhà nước do Ủy ban Khoa học Nhà nước thống nhất quản lý, ngày 27/3/1992, Tổng Thanh tra Nhà nước đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra thuộc Thanh tra Nhà nước và phân công cán bộ Vụ Tổng hợp - Pháp chế của cơ quan Thanh tra Nhà nước làm thành viên kiêm nhiệm của Trung tâm. Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra đã đề cao vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Nhà nước vào nề nếp, theo hướng tập trung, chuyên sâu. Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra có nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Nhà nước tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học và thông tin về thanh tra; làm nhiệm vụ thường trực Hội đồng khoa học của Thanh tra Nhà nước; xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp tổ chức nghiên cứu khoa học và thông tin thanh tra; đề xuất và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và thông tin về thanh tra; sưu tầm và hệ thống hóa tài liệu, thông tin trong và ngoài nước về thanh tra. Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra có vai trò quan trọng trong việc gắn kết công tác nghiên cứu khoa học với công tác xây dựng pháp luật, chuyển hóa các kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn thành các quy định pháp lý về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng. Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra trở thành tổ chức tiền thân của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra ngày nay.
Kế thừa những thành tựu hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin thanh tra và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước; căn cứ Nghị định số 46/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Nhà nước, ngày 03/07/2003, Tổng Thanh tra Nhà nước ký Quyết định số 775/TTNN thành lập Viện Khoa học Thanh tra, trực thuộc Thanh tra Nhà nước. Theo đó, “Viện Khoa học Thanh tra là đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Nhà nước, có chức năng nghiên cứu, tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng; nghiên cứu việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn công tác thanh tra và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thanh tra viên; thực hiện công tác thông tin - tư liệu khoa học và thư viện thuộc Thanh tra Nhà nước”. Quyết định thành lập Viện Khoa học Thanh tra của Tổng Thanh tra Nhà nước đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học; đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp; xác định sứ mệnh của công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Nhà nước trong bối cảnh mới là xây dựng nền tảng lý luận vững chắc nhằm thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành thanh tra đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 09/4/2018, Viện Khoa học Thanh tra được đổi tên thành Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả 15 năm hoạt động của Viện Khoa học Thanh tra; xác định nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong thời gian tới là nghiên cứu khoa học và xây dựng chiến lược, chính sách, đồng thời nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Viện, ngày 25/6/2018, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTCP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ đột xuất do Tổng Thanh tra Chính phủ giao và các nhiệm vụ thuộc nội bộ, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra được giao thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ chính - thường xuyên:
(i) Nghiên cứu và xây dựng chiến lược, chính sách;
(ii) Nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động khoa học trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và các nội dung khác có liên quan;
(iii) Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học;
(iv) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong toàn ngành thanh tra;
(v) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin - tư liệu khoa học và thư viện của Thanh tra Chính phủ; biên soạn và phát hành theo quy định của pháp luật các ấn phẩm thông tin - tư liệu khoa học về các lĩnh vực công tác của ngành thanh tra;
(vi) Cung cấp các dịch vụ khoa học, dịch vụ tư vấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật;
(vii) Tham gia đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra;
(viii) Liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, cơ sở vật chất của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã được đầu tư tương đối hiện đại, với Trụ sở riêng và hệ thống máy tính được nối mạng với máy chủ riêng; các phòng làm việc, phòng họp - hội thảo khang trang, tiện nghi, được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật đáp ứng tốt các yêu cầu nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, tổ chức sự kiện khoa học và quản lý công tác nghiên cứu. Trang tin điện tử của Viện (www.issi.gov.vn - bao gồm chuyên trang tiếng Anh) có nội dung và hình thức giao diện phù hợp với yêu cầu thông tin khoa học và truyền thông; có tính năng kỹ thuật đáp ứng các nhu cầu tương tác; tích hợp các kho dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống dữ liệu về đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của Viện…đã thu hút được sự quan tâm truy cập của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đang dần trở thành một kênh truyền thông mạnh đáp ứng yêu cầu thông tin nghiên cứu và phục vụ xây dựng ngành Thanh tra trong thời đại công nghiệp 4.0 và yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Thư viện của Thanh tra Chính phủ được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao cho Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức, quản lý và vận hành hiện có hàng ngàn đầu sách trên các lĩnh vực pháp luật, chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng…luôn sẵn sàng phục vụ rộng rãi bạn đọc trong và ngoài ngành thanh tra.
Tự hào đồng hành và trưởng thành cùng với sự phát triển của ngành thanh tra, hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra với sự tiếp bước, kế thừa thành quả của các thế hệ đã thu được nhiều thành tích quan trọng trên các phương diện: từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận của ngành thanh tra; nghiên cứu và xây dựng chiến lược, thể chế, chính sách; quản lý công tác nghiên cứu khoa học; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin - tuyên truyền và hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học… Với những đóng góp quan trọng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra 17 năm liên tục (từ 2003 - 2019) được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ các năm 2008, 2010, 2011 và 2018; Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ các năm 2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2010, 2013, 2014 và 2019; Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương năm 2010; Cờ thi đua của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương năm 2013.