Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ năm 2022 - 2023: “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn”
Ngày đăng:  26/12/2023 | 08:50 SA | 411
Ngày 25/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ năm 2022 - 2023: “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn”. Đề tài do ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì buổi họp.
...

Qua quá trình nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đã làm rõ pháp luật hiện hành đã khẳng định cơ quan thanh tra nhà nước (TTNN) thuộc hệ thống hành pháp, có phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực riêng. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan TTNN thực hiện và giúp thực hiện quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cơ quan thanh tra vừa chịu sự chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, vừa chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên. Qua 10 năm triển khai Luật thanh tra năm 2010, hoạt động thanh tra đã góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù vậy, quy định hiện hành và thực tiễn thực hiện cũng cho thấy còn khá nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc xác định thẩm quyền của các cơ quan TTNN các cấp trong hoạt động thanh tra chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả. Đây cũng là vấn đề còn ít được quan tâm nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Các quy định của Luật Thanh tra chưa phân định thực sự rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn giữa TTCP, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở dẫn tới chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan này. Ví dụ như: Điều 15 quy định TTCP có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Điều 18 quy định Thanh tra Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ.

Trên thực tế số cuộc thanh tra trách nhiệm của TTCP cũng không nhiều. TTCP thường thanh tra trực tiếp về các lĩnh vực quản lý của bộ ngành. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, mặt khác làm giảm trách nhiệm của các ngành trong việc chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra vốn là một yêu cầu tất yếu của cơ quan quản lý trong những lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách.

Tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra các bộ, ngành chưa phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành, chưa phân định rõ giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; hoạt động của các cơ quan thanh tra còn chồng chéo, tình trạng phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra diễn ra khá phổ biến.

Việc xác định thẩm quyền chưa rõ ràng cũng dẫn đến tình trạng bỏ trống hoặc thiếu quan tâm đến những nội dung thanh tra quan trọng, khiến cho cơ quan TTNN chưa phát huy hết vai trò của mình, công tác quản lý nhà nước chưa được kiểm soát một cách đầy đủ, chặt chẽ. Đặc biệt là việc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo việc thực hiện đúng đắn, hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động công vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức.

Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận, đi sâu phân tích thực trạng và đề xuất quan điểm, phương án chính sách, giải pháp xác định thẩm quyền của cơ quan TTNN trong hoạt động thanh tra.  Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Một số vấn đề chung về xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra, ii) Thực trạng Thực trạng thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra, iii) Quan điểm, phương án và giải pháp xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiêm túc trong nghiên cứu, sản phẩm đầy đủ, bố cục cơ bản hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.

Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, đề tài cần: rà soát lại lỗi kỹ thuật, chính tả, một số thuật ngữ, khái niệm về thẩm quyền; đánh giá sâu hơn một số thẩm quyền trong hoạt động thanh tra; cơ sở xác định thẩm quyền cần bổ sung thêm chính sách, chủ trương của Đảng; mạnh dạn bổ sung thêm đề xuất giải pháp thanh tra trong công vụ; bổ sung thêm phần kết luận để thể hiện được những kết quả chính của Đề tài.

Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng