Họp Nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ năm 2022 - 2023: “Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính”
Ngày 29/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức buổi họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ năm 2022 - 2023: “Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính”. Đề tài do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì buổi họp.
Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành chính của cá nhân, tổ chức có liên quan. Song hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính vẫn chưa cao, thậm chí không có hiệu quả, gây bất bình trong dư luận, tạo xung đột xã hội một cách không cần thiết, làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước, đi ngược lại với chủ trương, đường lối đảm bảo, bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo hành chính của Đảng và Nhà nước.
Hiện tượng phổ biến đáng lên án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính hiện nay là lạm dụng quyền lực từ phía người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền dưới hình thức thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc vượt quá thẩm quyền cho phép, thái độ thờ ơ, sách nhiễu, hách dịch, coi thường người khiếu nại, tố cáo…trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người giải quyết, khiếu nại đi ngược với tinh thần phục vụ nhân dân gây bất bình và làm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Do xung đột lợi ích giữa người khiếu nại, tố cáo hành chính và người giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính nên việc giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu rất ít hiệu quả, trong khi quy định của pháp luật về khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu chính là người đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Thực tiễn cho thấy kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức, kiểm soát trong nội bộ cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính từ Trung ương xuống địai phương chưa được tăng cường, vai trò giám sát của nhân dân, của xã hội đối với hoạt động này chưa được phát huy.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã thẳng thắn chỉ ra “có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết chưa kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm, vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”
Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá được thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Cơ sở lý luận về kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, ii) Thực trạng kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, iii) Quan điểm, giải pháp bảo đảm kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiêm túc trong nghiên cứu, sản phẩm đầy đủ, bố cục cơ bản hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, đề tài cần xem lại các khái niệm đảm bảo chính xác và logic hơn, cân nhắc bổ sung thêm khách thể kiểm soát tại chương 1, một số biểu hiện lạm quyền, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các giải pháp bổ sung thêm hạn chế và nguyên nhân, cân nhắc bổ sung thêm: thống nhất nhận thức về vai trò, đặc trưng và thẩm quyền kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Cần khẳng định rõ ở đâu, chỗ nào có giải quyết khiếu nại hành chính thì ở đó có kiểm soát quyền lực. Cần phát huy tối đa cơ chế kiểm soát tòa án đối với việc thực hiện quyền lực trong giải quyết khiếu nại hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức thực hiệ nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Biên tập lại đảm bảo logic giữa chương 1 và chương 2.
Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc./.
Tin: Nguyễn Tuyết
Ảnh: Hữu Thắng