Hội thảo lần 2 đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”
Ngày đăng:  01/03/2024 | 02:46 CH | 351
Ngày 29/2/2024, tại Trụ sở Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) Trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu, Đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” do TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 2. Hội thảo tập trung thảo luận về thực trạng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện một số bộ, ngành, địa phương, một số cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ.
...

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số được hiểu theo nghĩa hẹp là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dụng lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Chủ thể thực hiện ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng là cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trực tiếp phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Đề tài đã bước đầu chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong ứng dụng công nghệ số tại Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng như cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương như: do nhiều người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng vai trò của công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước; do quá trình tin học hóa hoạt động của TTCP chưa đem lại hiệu quả rõ ràng; do thiếu chiến lược chung cho toàn ngành về ứng dụng công nghệ số; do lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực nhạy cảm; do công nghệ số nhất là nhóm 05 công nghệ số chủ chốt đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo bài bản, kĩ lưỡng thì mới có thể phát huy được vai trò của chúng. Hầu hết các cơ quan thanh tra  bộ, ngành, địa phương hiện nay vị trí công nghệ thông tin vẫn do cán bộ kiêm nhiệm, ít khi được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật chuyên sâu. Do đó, nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của ngành thanh tra vẫn là một cản trở lớn.

Tại Hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài và các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phạm vi nội dung cần đề cập, những nội dung cần được bổ sung, làm rõ, bổ sung thông tin về thực trạng tại một số địa phương, bộ ngành.

Góp ý cho Ban chủ nhiệm đề tài, các đại biểu cho rằng đề tài cần xác định rõ mục tiêu, có định nghĩa về các hoạt động cần ứng dụng công nghệ số, bổ sung nội dung tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; cần tiến hành đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ số ở một số địa phương để có cái nhìn bao quát nhằm xây dựng kiến trúc tổng thể, đề xuất mô hình thí điểm có thể triển khai áp dụng; cần bổ sung thêm đặc điểm về chủ thể là có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp; cần làm rõ thế nào là chuyển đổi số? khác số hóa ở chỗ nào?. Nội dung ứng dụng cần tập trung 2 vấn đề: ứng dụng trong xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử và ứng dụng trong tin học hóa các quy trình, thủ tục, tương tác giữa các chủ thể có liên quan. Cần đề cập phân tích đặc điểm ứng dụng công nghệ số trong từng lĩnh vực hoạt động. Nội dung đề tài đang thiên về hoạt động nghiệp vụ hơn là quản lý nhà nước, cần biên tập lại. Chương 1 cần bổ sung thêm nội dung đặc điểm, đặc thù cũng như các yếu tố tác động, các yếu tố đảm bảo. Cần làm nổi bật hơn những điểm mà ở địa phương họ đã làm tốt hơn TTCP ra sao?. Đề tài cần khuôn lại phạm vi, trong từng lĩnh vực, phạm vi ứng dụng đến đâu? Chương 2 mới chỉ dừng lại ở liệt kê các văn bản, cần gom theo các nội dung và phân tích theo từng nội dung. Phần đánh giá cần làm rõ hơn vai trò của TTCP.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng