Hội thảo lần 2 đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước”
Ngày đăng:  31/05/2024 | 02:28 CH | 113
Ngày 30/5/2024, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS. Nguyễn Tuấn Khanh Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 2.
...

Hội thảo lần này với mục đích nhận diện đẩy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về thực trạng phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Ban chủ nhiệm đề tài đã chỉ ra những vấn đề đang đặt ra đối với công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, phân quyền, phân cấp trong thanh tra, kiểm tra là lĩnh vực rất đặc thù, vì đây là nội dung của chu trình quản lý là nước và là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và bất cập trong quản lý. Vì vậy, phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong thanh tra, kiểm tra nói chung phải được thực hiện theo những nguyên tắc đặc thù.

Phân quyền, phân cấp trong thanh tra, kiểm tra vừa bảo đảo góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhưng đồng thời phải đặt trong bối cảnh tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là việc thực thi quyền hành pháp. Phân quyền, phân cấp trong thanh tra bảo đảm những yêu cầu chung đối với phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung như: Về phân định và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định nhằm phân định thẩm quyền giữa thanh tra và kiểm tra của các thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, do cấp nào thực hiện, ai làm gì?; Cơ quan quản lý nhà nước có thể phân cấp cho cơ quan thanh tra thực hiện những nội dung nào? Phương thức nào để kiểm soát phân cấp đó?; Phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra “cấp trên” với cơ quan thanh tra “cấp dưới” như thế nào cho phù hợp?; Cơ quan thanh tra “cấp trên” có thể phân cấp cho cơ quan thanh tra “cấp dưới” không?; Những vấn đề khác về phân cấp, phân quyền trong thanh tra, kiểm tra.

Theo đ/c Mã Văn Trường, Chánh thanh tra huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã phần nào thể hiện được sự phân cấp, phân quyền trong việc giao việc, cụ thể như các số cuộc thanh tra trong năm tại huyện nhiều hơn những năm trước (3 cuộc thanh tra, 3 cuộc kiểm tra, ngoài ra có những cuộc thanh tra đột xuất).

Theo ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục 1, Thanh tra Chính phủ nhận định, Ban chủ nhiệm đã có cách nhìn nhiều chiều, cách tiếp cận vấn đề phân cấp, phân quyền ngay trong chính hoạt động thanh tra là hợp lý và khoa học. Hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra  chưa bao quát được vấn đề phân cấp, phân quyền, còn có sự trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống các cơ quan thanh tra chưa được trao quyền đầy đủ. Đề tài cần chỉ ra rõ khi thanh tra, kiểm tra, phân cấp, phân quyền cho hai hoạt động này có vấn đề gì không? phân quyền theo chiều ngang trong hệ thống thanh tra đang có vấn đề, nhiều lúc chưa rành mạch, bị đan xen, một sự việc thanh tra nhiều bộ, ngành có thể vào cuộc được. Thanh tra theo chiều dọc (cấp trên với cấp dưới) còn có vấn đề. Đề tài cần tiếp cận giữa thanh tra, kiểm tra với các thiết chế khác và cụ thể ở một cuộc thanh tra.

ThS Lê Đức Trung, Trưởng phòng QLKH&TTTV, Viện CL&KHTT đánh giá Ban chủ nhiệm đã chuẩn bị tài liệu hội thảo chu đáo, thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Đề tài cần thể hiện rõ chìa khóa là yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quả lý nhà nước, ngoài các yêu cầu chung cần nhận diện rõ được các yêu cầu đặc thù trong hoạt động thanh tra, kiểm tra là gì? yêu cầu đảm quyền nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; yêu cầu kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; yêu cầu về công tác phòng, chống tham những như thế nào… thành các trụ cột để tiến hành đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra đã làm được những gì để đáp ứng yêu trên.

Theo Đ/c Lê Thị Huệ, Phó Chánh thanh tra Sở Công Thương, tỉnh Cao Bằng chia sẻ thực tiễn Thanh tra sở chỉ được làm hai nhiệm vụ: thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công việc tiếp công dân giao cho các Ban ngành thuộc Sở, công tác kiểm soát tài sản thu nhập, phòng, chống tham nhũng lại trực thuộc Văn phòng. Đề tài làm rõ hơn việc quy định chức năng thanh tra, kiểm tra.

Đ/c Lê Ngọc Thiều, Trưởng khoa Nghiệp vụ 1, Trường Cán bộ thanh tra cho rằng đề tài có tính thời sự cao. Thực tiễn việc phân cấp, phân quyền chúng ta không làm theo ngành dọc, lại theo ngành ngang, giao cho các tỉnh chủ động phân cấp, phân quyền dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh hoạt động một kiểu, không nhất quán. Việc phân cấp, phân quyền nên theo cơ chế và có tính thù của từng địa phương.

ThS. Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục 5, Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá đề tài rất thiết thực, có tính lý luận và thực tiễn cao. Phân cấp theo luật, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Hai khía cạnh này đều phục vụ quản lý nhà nước, tùy vào thời điểm, giai đoạn khác nhau để phân cáp, phân quyền cho hợp lý, nếu không hiệu quả là ta phải tính sắp xếp lại. Hiện tại, nhiều cơ quan có chức năng thanh tra, chủ thể thanh tra đang rất rộng và khó phân định hơn trước. Phân cấp, phân quyền đối với thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện có sự mâu thuẫn về kế hoạch thanh tra, cơ chế chưa minh bạch, mỗi nơi làm một phách, chưa có sự thống nhất. Ngay trong Thanh tra Chính phủ, có những hoạt động của Cục 1, Cục 2 có khi sẽ bị trùng với kế hoạch của các Vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Đề tài cần kiến nghị ngành thanh tra cần sắp xếp lại và có thẩm quyền hơn .

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới./.

Tin và ảnh: Nguyễn Tuyết