Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu: “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”
Ngày đăng:  07/06/2024 | 09:57 SA | 96
Ngày 06 tháng 6 năm 2024, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai phi dự án hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024” theo Quyết định số 10/QĐ-TTCP ngày 09/01/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu: “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.
...

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trình bày, ngày 12/5/2009, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 với mục tiêu nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua hơn 15 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá rõ ràng, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng, chống tham nhũng và xử lý hành vi tham nhũng; tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Công cuộc phòng, chống tham nhũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Từ lý do trên, kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

Trình bày Dự thảo Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Hoàng, chuyên gia dự án thể hiện 04 nội dung sau: Phần mở đầu (bối cảnh, mục tiêu, đối tượng sử dụng báo cáo); Thực trạng thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Đề xuất các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; Đề xuất kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cho ý kiến, bình luận về Dự thảo báo cáo. GS. TS. Vũ Công Giao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người - quyền công dân, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đây là nghiên cứu có tính cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận, thực tiễn cao. Nhóm nghiên cứu đã đạt được một số mục tiêu và hoàn thành một số nhiệm vụ nghiên cứu, dù vậy, báo cáo nên được củng cố, hoàn thiện thêm, cả về nội dung, thể thức, cách thức… để có giá trị khoa học, thực tiễn xứng đáng, trong đó đặc biệt chú ý về phạm vi, bố cục, nội dung và kỹ thuật của Dự thảo báo cáo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, Dự thảo báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Các nội dung có tính khái quát cao, nhiều nội dung được phân tích, trình bày rõ ràng, ngắn gọn với số liệu cụ thể đã làm nổi bật những kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030. Báo cáo đã đạt được kết quả như sau: Thứ nhất, dự thảo Báo cáo đã tập trung đánh giá thực trạng thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Thứ hai, trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện Chiến lược, dự thảo báo cáo đã nêu rõ 03 hạn chế và 09 nguyên nhân; Thứ ba, dự thảo Báo cáo đã đề xuất các giải pháp thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Trong đó cũng đã nêu bối cảnh, mục tiêu và nội dung của Chiến lược. Nhiều nội dung đề xuất sửa đổi có giá trị trong việc hoàn thiện thể chế góp phần phòng, chống tham nhũng, nhất là bảo đảm phương châm “không thể tham nhũng”; Thứ tư, dự thảo Báo cáo cũng đã có đề xuất về việc thực hiện Chiến lược đến năm 2030 và Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng giai đoạn 2023 - 2026 với một số kiến nghị tới Quốc hội và Chính phủ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Báo cáo nghiên cứu là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc của nhóm nghiên cứu. Một là, đã đánh giá được thực trạng thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trên 05 nội dung bao gồm thực hiện tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; thực hiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; thực hiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; thực hiện công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Hai là, báo cáo đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế như về quy định còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn; việc thể chế hóa còn bất cập; thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng còn bất cập và chỉ ra các nguyên nhân; Ba là, trên cơ sở hạn chế và nguyên nhân Báo cáo đã đề xuất các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.

TS. Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đề nghị sửa tên Báo cáo thành “Báo cáo đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đến năm 2030” cho phù hợp với tên gọi của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 11/10/2023; mở rộng đối tượng sử dụng Báo cáo, theo đó, các cơ quan, tổ chức cá nhân, kể cả các doanh nghiệp và người dân đều được tiếp cận báo cáo này để nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng. Phần II của Báo cáo không nên nêu thực trạng thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 mà cần phải nêu những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Phần III của Báo cáo cần bổ sung những quan điểm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 nói riêng, nêu những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay. Nhóm nghiên cứu cần phải rà soát, hoàn thiện báo cáo theo hướng: những nhiệm vụ đã hoàn thành thì phải thể hiện rõ trong báo cáo, không cần thiết phải đưa vào nhiệm vụ giải pháp và kế hoạch thực hiện sắp tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Doãn Hồng Nhung, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận, Dự thảo báo cáo cần được chỉnh sửa và tiếp thu có chọn lọc để  hoàn thiện cả về nội dung và hình thức . Những giải pháp  đề ra có tính đồng bộ,  có giá trị tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế. Những vấn  đề quan trọng này sẽ đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.

Kết thúc hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra phát biểu cảm ơn và xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo đối với dự thảo Báo cáo.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng