Hội thảo lần 2 đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 “Phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”
Ngày đăng:  21/06/2024 | 04:12 CH | 139
Ngày 21/6/2024, Trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” do ThS. Nguyễn Sỹ Giao, Phó Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TTCP làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 2.
...

Tại Hội thảo lần này với mục đích nhận diện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về thực trạng tác động chính sách, pháp luật về đấu thầu dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất đến công tác phòng, chống tham nhũng. Theo quy định Luật Đất đai 2013 thì đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp: Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu  hạ tầng; sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; giao đất ở tại đô thị, nông thôn hộ gia đình, cá nhân; giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đang là một hiện tượng, trạng thái và xu hướng hành vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ không đứng đắn theo quy định pháp luật của người được giao thẩm quyền, nghĩa vụ nhằm vụ lợi trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trạng thái, xu hướng tham nhũng, tiêu cực trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là tổng hòa tất cả các hành vi tham nhũng, hành vi tiêu cực xảy ra trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, gồm các hành vi đã được phát hiện, đã xảy ra trong thực tế nhưng chưa được phát hiện, hoặc có xu thế tiếp tục xảy ra.

Nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tham nhũng trong lĩnh vực này là do xuất phát từ giá trị đất đai và địa vị pháp lý của chủ thế đất đai; xuất phát từ hạn chế, khiếm khuyết trong cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Tại Hội thảo, ThS. Trần Đại Nghĩa, Chuyên gia tư vấn pháp lý dự án đầu tư trình bày kết quả nghiên cứu: “Tác động chính sách đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đến công tác phòng, chống tham nhũng”. Theo chuyên gia chia sẻ, vướng mắc thực tiễn trước đấu thầu gồm có: Chưa rõ tiêu chí về xác định phương thức tiếp cận đất đai là đấu thầu hay chấp thuận; khó tiếp cận thông tin; việc tài trợ quy hoạch làm giảm sự công bằng giữa các nhà đầu tư. Vướng mắc thực tiễn sau đấu thầu gồm có: Sau khi có kết quả thì quy hoạch bị điều chỉnh tăng; nhà đầu tư chậm thực hiện dự án do chậm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; dự án bị điều chỉnh nhiều lần.

Vướng mắc thực tiễn trước đấu giá gồm có: Khó tiếp cận thông tin; đt cọc tham gia còn thấp, nên dễ xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”; việcng xử với các quỹ đất công trong dự án có tách thành dự án độc lập hay không; xác định giá khởi điểm chưa chuẩn xác. Vướng mắc thực tiễn sau đấu giá gồm có: Nhiều khu đất sau đấu giá bị điều chỉnh tăng chỉ tiêu so với lúc đưa ra đấu giá; nhiều doanh nghiệp không có năng lực, thực hiện dự án không đúng tiến độ cam kết; việc để giá bất động sản tăng phi mã làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyên gia cũng chia sẻ dự báo một số vướng mắc khác có thể xảy ra trong tương lai như: Các phương thức tiếp cận đất đai chưa rõ ràng, cần phải điều chỉnh cho phù hợp; minh bạch trong quá trình thực hiện quy hoạch; thời gian trong đấu thầu cần được kéo dài hơn; tăng điều kiện của doanh nghiệp tham gia đấu giá; đề nghị thực hiện đấu giá trực tuyến; phải thu hồi dự án khi chậm triển khai.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung như: Thực tiễn qua các cuộc đấu thầu thường chỉ có một nhà đầu tư được lựa chọn chứ không có cạnh tranh? Năng lực các nhà thầu có thật tốt không? Xu hướng hiện nay ra sao?

Theo đ/c Đồng Đình Chính, Thanh tra viên chính Vụ 3, TTCP chia sẻ thực tiễn trong công tác tham gia nhiều đoàn thanh tra liên quan đến quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, như chuyên gia đã phân tích thực tế ở những dự án lớn đấu giá lúc đầu chỉ có một nhà thầu, rất dễ xảy ra vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực này, bất cập trong việc đăng tải thông tin, công khai đấu thầu…

TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, TTCP nhận xét đề tài có tính thực tiễn cao, khung chính sách rất rộng và phức tạp. Đề tài cần chỉ ra được bất cập để thay đổi chính sách, đi sâu phân tích làm rõ 3 nhóm vấn đề: Một là, những điều kiện cơ bản liên quan đến quyền sử dụng đất và đấu giá, đấu thầu; Hai là, nhận diện các hành vi tham nhũng trong vấn đề này (nhấn mạnh bất cập về chính sách); Ba là, đưa ra các giải pháp (phòng ngừa, hoàn thiện bộ công cụ bằng luật, bằng chính sách và phát hiện vi phạm để xử lý).

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, TTCP đánh giá đề tài rất hay, khó, chủ nhiệm đã lựa chọn chuyên gia chất lượng, những thông tin chuyên gia chia sẻ rất ý nghĩa. Đề tài đã giải quyết tốt phần cơ sở lý luận, mong muốn phần thực trạng có thể bổ sung thêm thông tin các dự án cụ thể mà có những tình huống thực tiễn, những kinh nghiệm rút ra.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng