Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu Đề tài khoa học cấp bộ 2024-2025 “Xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”
Ngày đăng:  22/06/2024 | 09:13 SA | 194
Ngày 21/6/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu Đề tài (Hội thảo). Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh… TS. Nguyễn Quốc Văn – Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
...

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, việc xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 10 năm 2020 về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định 130/2020/NĐ-CP). Các quy định pháp luật hiện hành về kê khai, xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức công vụ trong kê khai, công khai và giải trình nguồn gốc TSTN, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý người và xử lý tài sản có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực….

Tuy nhiên, vấn đề xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn hiện đang là khâu yếu, với việc tồn tại đồng thời nhiều hạn chế, bất cập trên các phương diện pháp lý và thực tiễn như: Pháp luật về PCTN hiện mới quy định ở mức độ chung, sơ khai nhất về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong xác minh TSTN của người có chức vụ quyền hạn; thực tiễn xác minh TSTN gặp nhiều rào cản chính trị - pháp lý; việc thực hành xác minh tài sản gặp nhiều tình hống thực tiễn phức tạp, chưa có quy định và điều kiện để thực hiện; việc tổ chức xác minh, kết luận về TSTN của các đối tượng thuộc quyền quản lý của các cấp ủy Đảng ở Trung ương và địa phương, của các đối tượng là chủ sở hữu hoặc lãnh đạo – quản lý các doanh nghiệp lớn chưa quy định rõ nhằm đảm bảo tính thực tế - khả thi, khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng, chống xung đột lợi ích và phục vụ được đồng thời sự giám sát, kiểm soát của nhà nước và nhân dân đối với việc thực hiện các quyền về tài sản của nhóm đối tượng hết sức quan trọng này… Với các lý do trên, theo TS. Nguyễn Quốc Văn, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết và mang tính thời sự, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp 2013 và các chỉ đạo của Đảng về kiểm soát quyền lực; thiết thực xây dựng luận cứ cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân…

Mục tiêu nghiên cứu chung của đề tài là làm rõ cơ sở lý thuyết, pháp luật và thực tiễn của hoạt động xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, qua đó đề xuất quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Theo đó, Đề tài dự kiến nghiên cứu những nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn; ii) Khung chính sách, pháp luật về xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn; iii) Thực trạng hoạt động xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn; iv) Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thực trạng công tác xác minh TSTN của Ngân hàng Nhà nước, những khó khăn vướng mắc về quy chế phối hợp trong quá trình thực hiện xác minh TSTN; thẩm quyền xác minh; việc xác định phạm vi để đánh giá tính trung thực của người kê khai TSTN; quá trình thực hiện xác minh TSTN…

Ông Đoàn Văn Tú - Thanh tra Bộ Quốc phòng nhất trí với phạm vi nghiên cứu của Đề tài; đồng thời cũng chia sẻ những bất cập qua quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Nghị định 130/2020/NĐ-CP; có những quy định về thẩm quyền còn mang tính định tính, chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện; kết nối cơ sở dữ liệu còn bất cập; vấn đề xác minh và xác nhận tài sản kê khai; kết luận xác minh TSTN còn gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn…

Chia sẻ từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh, theo ông Nguyễn Nhân Bình – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, từ khi có Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP, nhận thức của cán bộ, công chức về xác minh TSTN của tỉnh Bắc Ninh tương đối cao; năm 2022, 2023 tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kết luận xác minh TSTN, nhưng chưa có trương hợp bị xử lý; thời điểm kê khai xác minh là thời điểm của năm liền kề; phạm vi xác minh mới xác minh trong tỉnh mà chưa thực hiện phạm vi ngoài tỉnh…

Góp ý vào đề cương nghiên cứu, bà Nguyễn Thùy Linh - Thanh tra Bộ Công thương cho rằng, cần làm rõ việc kê khai thu nhập và công khai tài sản; đề xuất xây dựng biểu kê khai tường minh, rõ ràng hơn…

Đại diện Cục IV – Thanh tra Chính phủ, ông Bùi Nguyên Phúc chia sẻ về đối tượng xác minh tài sản thu nhập, số lượng bản kê khai được công khai hàng năm là rất lớn, các cơ quan không có đủ nguồn lực để tiến hành xác minh, do đó, việc xác minh cần tập trung vào đối tượng có chức vụ, quyền hạn cao; bên cạnh việc xác minh như hiện nay, chúng ta cần tập trung vào xác minh những trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo về vấn đề này…

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý vào Đề cương nghiên cứu về sự cần thiết nghiên cứu đề tài, bổ sung về thực trạng tham nhũng; mục tiêu đề tài nhấn mạnh đến mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng; căn cứ ra quyết định xác minh; bổ sung căn cứ xác minh TSTN nhằm phòng, chống rửa tiền; tính độc lập tương đối của cơ quan xác minh TSTN; vấn đề bốc thăm xác minh TSTN; các chủ thể có liên quan trong quá trình xác minh TSTN …

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự để hoàn thiện đề cương và nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng