Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu Đề tài khoa học cấp bộ “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”
Ngày đăng:  21/06/2024 | 08:47 SA | 156
Triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, ngày 20/6/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu Đề tài (Hội thảo). TS. Tạ Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
...

Theo TS. Tạ Thu Thủy, thanh tra là một chức năng của quản lý nhà nước. Sự hình thành và phát triển của ngành Thanh tra ở Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn nhưng luôn gắn liền với việc thực thi quyền hành pháp, đó là chức năng kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với bản chất đó, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (TTGQKNTC) phải tuân thủ các yêu cầu chung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hành chính nhà nước (HCNN).

Về trách nhiệm giải trình, do các cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống hành chính và hoạt động thanh tra là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nên các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định chung là giải thích và làm rõ các nội dung của quyết định, hành vi thực thi công vụ trong một số trường hợp cụ thể…

Về công khai, minh bạch công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, mặc dù trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai đã được quy định trong Luật Khiếu nại 2011, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn chưa đảm bảo tính công khai minh bạch như: Chưa có cơ chế tranh luận bình đẳng giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại; trong khi đó cơ quan hành chính thụ lý, thẩm tra, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết một cách đơn phương, người khiếu nại hầu như ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc; vai trò, sự tham gia của luật sư trong quá trình giải quyết còn hạn chế

Thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy một số vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đặt ra đối với hoạt động thanh tra như: i) trong xây dựng kế hoạch thanh tra vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước được đề cập đến trong nhiều văn bản, báo cáo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ...; ii) trong quá trình tiến hành cuộc thanh tra trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra vẫn còn bất cập, việc thực hiện trên thực tế chưa đầy đủ, nghiêm minh, có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch...

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài hướng đến việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề xuất các giải pháp về tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động TTGQKNTC đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo đó, Đề tài dự kiến nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Cơ sở lý luận về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động TTGQKNTC đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; ii) Thực trạng pháp luật và thực tiễn công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động TTGQKNTC; iii) Đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động TTGQKNTC đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tổng hợp các ý kiến góp ý của đại biểu tham dự, trên cơ sở các nội dung nghiên cứu được đề ra, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện đề cương nghiên cứu theo hướng sau: Phạm vi nghiên cứu đề tài rộng, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể giới hạn, làm rõ thêm cách tiếp cận cho phù hợp; có thể nghiên cứu theo nghĩa hẹp sẽ phù hợp với phạm vi nghiên cứu đề tài; Phần lý luận, Đề tài cần luận giải thêm về nhà nước pháp quyền; yêu cầu của công khai, minh bạch đối với hoạt động TTGQKNTC; hoạt động TTGQKNTC gồm những yếu tố gì, có bao gồm quản lý nhà nước không, là vấn đề đặt ra mà Đề tài cần làm rõ; nên khoanh phạm vi hoạt động TTGQKNTC theo nghĩa hẹp sẽ phù hợp hơn ở phạm vi đề tài cấp bộ; bố cục đề tài cần sắp xếp cho phù hợp, logic hơn; bản chất, nội dung và đặc điểm của công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình..., trong đó, tách biệt giữa công khai, minh bạch với trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình hướng đến chủ thể bên ngoài hoạt động thanh tra...; Phần thực trạng, cơ sở pháp lý, đề cập đến chính sách của Đảng, và không chỉ đề cập đến Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo mà còn cả luật khác có liên quan; Phần giải pháp, dự báo xu thế bắt nguồn từ đòi hỏi của Nghị quyết 27-NQ-TW, của sự phát triển công nghệ thông tin, của Nhà nước pháp quyền, của công cụ kiểm soát nhà nước; Giải pháp về hoàn thiện thể chế và chính sách của Đảng; hoàn thiện quy định pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo…

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự để hoàn thiện đề cương và nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng