Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực”
Ngày đăng:  19/07/2024 | 09:51 SA | 157
Ngày 18/7/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực” (Đề tài) tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài. ThS. Đào Thị Thu Hà - Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
...

Theo ThS. Đào Thị Thu Hà, thanh tra là khâu thiết yếu của quản lý nhà nước, thông qua hoạt động thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thểm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Hoạt động thanh tra có phần to lớn đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Để tiến hành một cuộc thanh tra thì việc kiểm soát nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đối với gian đoạn “trước và sau” giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp là một yêu cầu cần thiết…

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở pháp lý và thực tiễn triển khai đối với giai đoạn này đang chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, còn thiếu logic, chặt chẽ. Đối với việc kiểm soát trước giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp (xây dựng Chương trình, kế hoạch thanh tra, chuẩn bị thanh tra), về cơ sở pháp lý, còn phát sinh những hạn chế, vướng mắc như: Trình tự, thủ tục cho giai đoạn chuẩn bị thanh tra trong thanh tra hành chính khác với thanh tra chuyên ngành; căn cứ tiến hành khảo sát trước khi thanh tra chưa thực sự rõ ràng; ; về thực tiễn, phát sinh một số vướng mắc như: Kế hoạch tiến hành thanh tra chưa cụ thể; đôi khi xảy ra sự trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và các cơ quan khác làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra... Đối với việc kiểm soát sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp (thẩm định, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, việc giải trình của đối tượng thanh tra, ban hành kết luận thanh tra); về cơ sở pháp lý, Luật Thanh tra năm 2022 và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra còn chưa có sự đồng bộ, thống nhất, điều này dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo, thực hiện trong thực tiễn. Về thực tiễn, sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp còn tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực dưới nhiều biểu hiện khác nhau.  Để kiểm soát tốt  sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi trước hết ở công tác tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực cần thiết phải chặt chẽ, logic, nhất quán hơn. Đồng thời, cần thiết phải có các biện pháp giám sát nội nội trong các cơ quan thanh tra…

Đề tài có mục tiêu đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát trước và sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về kiểm soát trước và sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; ii) Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn công tác kiểm soát trước và sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; iii) Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát trước và sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.

Góp ý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CKL&KHTT cho rằng, Đề tài cần làm rõ khái niệm kiểm soát và thông qua các cơ chế kiểm soát khác nhau; các chủ thể tham gia vào việc kiểm soát trước và sau giai đoạn thanh tra…

Theo TS. Tạ Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CKL&KHTT, Đề tài cần cân nhắc phạm vi nghiên cứu cho phù hợp để tránh trùng lặp với các đề tài đã triển khai nghiên cứu và đảm bảo tính mới của Đề tài; về kết cấu, phần lý luận, Đề tài cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; nhận diện được hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực giai đoạn trước và sau khi tiến hành thanh tra…

TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CKL&KHTT cho rằng, phần lý luận, Đề tài cần làm rõ khái niệm các từ khóa có trong tên đề tài: Kiểm soát, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực…; làm rõ thêm chủ thể, nội dung, phương thức kiểm soát trước và sau giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp để đảm bảo tính toàn diện hơn; phần thực trạng, cần lưu ý đến những nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực…

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CKL&KHTT cho rằng, Đề tài cần xác định rõ phạm vi nghiên cứu đề tài. Theo đó, phạm vi đề tài nên khoanh lại, ở giai đoạn trước giai đoạn tiến hành thanh tra, tập trung vào việc khảo sát, nắm tình hình để tiến hành thanh tra; giai đoạn sau tiến hành thanh tra có thể dừng lại ở việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; Đề tài cần xác định rõ chủ thể kiểm soát; phương thức kiểm soát; phân tích các dạng hành vi và nguy cơ vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực…

Theo TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, phạm vi nghiên cứu đề tài cần bám sát Nghị Quyết 45 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ  về lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Quyết định số 465/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Báo cáo tổng kết của Ngành và Báo cáo Chuyên đề...; Về kết cấu, tên các chương cần bám sát vào tên đề tài, theo đó, các đề mục sửa đổi theo tên mới để đảm bảo tính thống nhất. Về các giải pháp, Đề tài cần đề cập đến giải pháp về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính; tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tham dự để hoàn thiện đề cương và triển khai nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng