Hội thảo lần 1 đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng”
Ngày 26/7/2024, Trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024: “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng” do CN. Phạm Diệu Huyền, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, hanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 1.
Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu khái quát tính cấp thiết, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và những nội dung nghiên cứu. Theo đó, cơ sở dữ liệu khoa học là một hệ thống lưu trữ thông tin chuyên biệt dành riêng cho mục đích nghiên cứu và phân tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cơ sở dữ liệu khoa học đóng một vai trò quan trọng và đa dạng trong quá trình nghiên cứu khoa học trong đó nổi bật là: Tài liệu tham khảo; tìm kiếm thông tin; phân tích và tổng hợp dữ liệu; theo dõi xu hướng và phát triển mới; hỗ trợ quyết định nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng là một hệ thống lưu trữ thông tin liên quan đến các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng là quá trình tạo ra một hệ thống lưu trữ thông tin chuyên biệt về các hoạt động liên quan đến thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Việc hình thành cơ sở dữ liệu khoa học này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác nghiên cứu và quản lý khoa học thanh tra, mà còn phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cả ngành Thanh tra dựa trên một hệ thống thông tin khoa học, đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy cơ sở dữ liệu khoa học và việc khai thác cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng còn bộc lộ rất nhiều bất cập như: Chưa có một cơ sở dữ liệu khoa học; dữ liệu khoa học được lưu trữ tản mát, không có tính liên thông; nhiều dữ liệu khoa học còn tồn tại dưới dạng tài liệu, sách, báo, tạp chí khiến việc lưu trữ, khai thác rất khó khăn; việc quản lý dữ liệu khoa học còn có những bất cập về cơ chế, phương thức cho đến hạ tầng kĩ thuật; kinh phí để xây dựng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu khoa học này được đầu tư ít trong khi các chi phí dành cho các nội dung như đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho lĩnh vực này rất tốn kém.
Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất quan điểm, giải pháp xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Đề tài triển khai 03 nội dung: (i) Những vấn đề chung về xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; (ii) Thực trạng các quy định có liên quan và thực tiễn xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; (iii) Quan điểm, giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
Tại Hội thảo các đại biểu đều nhận định đây là đề tài rất cần thiết, có tính ứng dụng cao. Các ý kiến thảo luận tập trung về những nội dung như: kết cấu (các mục gắn với 03 nội dung nghiên cứu), về phạm vi, về nội dung nghiên cứu chính.
TS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT chia sẻ băn khoăn về phạm vi của đề tài, chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) thôi hay thiên cả về kỹ thuật, chỉnh sửa, khai thác. Theo . Tạ Thu Thủy chỉ nên tiếp cận ở việc xây dựng. Chương 1 nên bổ sung thêm phân loại CSDL, phương pháp, cách thức. Mục vai trò ý nghĩa nên chuyển lên trên mục nội dung. Mục 1.1 nên chuyển tiêu đề là: Những vấn đề chung.
TS. Nguyễn Thu Nga, Viện CL&KHTT đánh giá đề cương mới chỉ dừng lại ở các tiêu mục cơ bản, cần chi tiết hơn. Chương 1 bổ sung thêm: Đặc thù của dữ liệu khoa học về lĩnh vực này như thế nào? từ đó dẫn tới việc cần thiết xây dựng CSDL ra sao; yêu cầu, tiêu chuẩn cho việc xây dựng CSDL trong lĩnh vực này như thế nào? cần cụ thể hóa hơn. Phần 2.1 kinh nghiệm nên chuyển lên Chương 1, tìm hiểu thêm CSDL lĩnh vực khác. Chương 2 kết cấu lại cho hợp lý thể hiện rõ hơn xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của ngành cho thấy việc cần thiết xây dựng CSDL, căn cứ vào nhu cầu thực tế để xây dựng CSDL. Phần đánh giá nhu cầu nên bổ sung thêm khảo sát.
TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT cho rằng đề tài thiên về kỹ thuật, kết cấu đề tài cơ bản là hợp lý. Chương 1 nên bổ sung thêm: Mục đích của việc xây dựng (đề làm gì, góp ích cho cái gì); Phân loại CSDL; đặc thù.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin – Thư viện, Viện CL&KHTT góp ý mục 1.2 nên tách làm 2 phần: Một là, nội dung CSDL là gì? (kết luận thanh ; báo cáo tổng kết thi hành pháp luật; báo cáo ổng kết công tác phòng, chống tham nhũng…); hai là, xây dựng CSDL, cần tập trung làm rõ 3 nội dung: Chủ thể xây dựng là ai?; chủ thể có trách nhiệm phối hợp?; Phương thức, cách thức xây dựng. Mục 1.4 các yếu tố ảnh hưởng nên đổi thành: Các yếu tố điều kiện đảm bảo. Chương 2 cần làm rõ hiện trạng ai đang quản lý CSDL, nhu cầu ra sao (như là phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy, xây dựng thể thế…) từ đó đưa ra đánh giá tồn tại, hạn chế.
ThS. Nguyễn Đăng Hạnh, Viện CL&KHTT góp ý tại phần lý luận đề tài cần làm rõ hơn tiêu chí để xây dựng CSDL và điều kiện đảm bảo. Phần thực trạng cần xác định rõ CSDL hiện đang thiếu hụt như thế nào để xây dựng cho phù hợp. Phần giải pháp còn chung chung, cần cụ thể rõ ràng hơn, có thể kiến nghị đưa ra một khung CSDL.
TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng để giải quyết được mục tiêu nghiên cứu đề tài cần trả lời được các câu hỏi: Hiện nay chúng ta đã có CSDL chưa? đã có tuy nhiên chưa cụ thể, còn đang trong quá trình hình thành từng bước. Cách thể hiện và xây dựng CSDL này như thế nào? với một phạm vi đề tài khoa học cấp cơ sở không cần quá cầu kỳ, đề tài cần định danh rõ nghĩa xây dựng bao gồm: quản lý và khai thác. Kết cấu đề tài tập trung vào những nội dung cơ bản như:
Chương 1: Những vấn đề chung về xây dựng CSDLKH về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. 1.1: Khái niệm, đặc điểm, vai trò, phân loại; 1.2: Thẩm quyền, nội dung, cách thức đề quản lý khái thác; 1.3: Những yếu tố tác động (ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo, cơ sở vật chất).
Chương 2: Thực trạng về việc xây dựng CSDLKH về thanh tra, khiếu nại – tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. 2.1: Kết quả; 2.2: Đánh giá, nguyên nhân.
Chương 3: Giải pháp, tập trung vào 3 giải pháp: Giải pháp cơ sở pháp lý; Giải pháp ứng dụng công nghệ số vào việc xây dựng CSDL này như thế nào; giải pháp về kinh phí, phương tiện.
Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài./.
Tin và ảnh: Nguyễn Tuyết