Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”
Ngày 31/7/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo” (Đề tài) tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài. ThS. Vũ Đức Hoan - Phòng Hành chính Tổ chức, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Trình bày đề cương nghiên cứu đề tài, ThS. Vũ Đức Hoan nhận định, Luật Khiếu nại đã có quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại nhưng thực tiễn thi hành đã phát sinh các tình huống mà luật chưa có dự liệu; bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành lại không có quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại.... khiến công tác giải quyết khiếu nại gặp những khó khăn nhất định. Về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo 2011 không có quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đã có quy định về vấn đề này. Sau 05 năm thực hiện, cần có nghiên cứu đánh giá, tổng kết thực tiễn về vấn đề này…
Đề tài đưa ra mục tiêu đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, Đề tài dự kiến nghiên cứu ba nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; ii) Pháp luật và thực tiễn tạm đình chỉ, đình chỉ trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; iii) Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Góp ý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, theo TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, mục tiêu của Đề tài cần bổ sung mục tiêu hoàn thiện pháp luật về tạm định chỉ và đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Chương I, cần khuôn lại cho hợp lý hơn, trong đó đề cập đến các khái cơ bản, nội dung, vai trò, tình huống, những yếu tố ảnh hưởng đến tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chương II, đề cập đến thực trạng pháp luật và thực trạng hoạt động tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó, cần nêu một số vụ việc điển hình để phân tích, nêu những bất cập, hạn chế trong công tác này. Từ đó, Đề tài cần đề xuất các giải pháp liên quan đến các tình huống tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Chương III.
TS. Tạ Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT cho rằng, Chương I cần bổ sung thêm đặc điểm của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ tạm đình chỉ, đình chỉ phát sinh ở giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; nêu vai trò, ý nghĩa, yếu tố ảnh hưởng đến việc tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; ở Chương I, việc đề cập đến căn cứ, thẩm quyền, trình tự tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thể hiện làm sao để tránh trùng lặp với các quy định pháp luật ở Chương II.
Chia sẻ về vấn đề tránh trùng lặp về trình tự, thủ tục được đề cập ở Chương I và Chương II, theo ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, Chương I có thể tiếp cận theo hướng đề cập đến quyền của các chủ thể có liên quan trong việc đình chỉ, tạm đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, như vậy, sẽ tránh trùng lặp với trình tự, thủ tục trong đề cập đến quy định pháp luật ở Chương II. Thực tiễn, có những loại đơn có nội dung vừa khiếu nại, vừa tố cáo, đề tài nên đề cập đến vấn đề này; chỉ ra thời điểm tạm đình chỉ, đình chỉ; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Theo TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT cho rằng, về cách tiếp cận, Đề tài có thể tiếp thu theo ý kiến ThS Lê Văn Đức như đã nêu trên, đề cập đến quyền của các chủ thể có liên quan đến khiếu nại, tố cáo; hoặc có thể tiếp cận theo cách, phần trình tự, thủ tục không đề cập ở Chương I và chuyển sang Chương II; nêu rõ trường hợp khi nào thì đình chỉ, khi nào tạm đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; so sánh sự khác nhau giữa đình chỉ và tạm đình chỉ trong đó làm rõ hệ quả pháp lý của vấn đề này.
Theo TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài cần đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, trong giải quyết tố cáo, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thực tiễn. Về nội dung nghiên cứu, Chương I, những vấn đề chung về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, đề cập đến quan niệm, đặc điểm của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, trong giải quyết tố cáo; thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý của tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, trong giải quyết tố cáo; yếu tố ảnh hưởng đến tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Chương II, phần thực trạng sẽ không đề cập đến phần pháp luật mà tập trung vào thực trạng tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; từ đó, phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân...
TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CL&KHT, Chương I, những vấn đề lý luận cần có cách tiếp cận khác biệt với quy định pháp luật; phần tính cấp thiết, Đề tài cần bổ sung xuất phát từ nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm đảm bảo quyền công dân, quyền con người và việc tuân thủ pháp luật; việc lúng túng trong thực tiễn giải quyết do pháp luật chưa có quy định cụ thể về đình chỉ, tạm đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; hệ quả pháp lý của việc chưa có quy định pháp luật về vấn đề này...
Về đề cương nghiên cứu, Chương I, những vấn đề chung về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, trong đó, cần làm rõ căn cứ, tình huống, thẩm quyền, thời gian, hậu quả pháp lý, yếu tố ảnh hưởng đến tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo...; Chương II, đề cập thêm đến chính sách của Đảng, khung chính sách pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực tiễn nêu các vụ việc cụ thể để phân tích, đánh giá; nêu ưu điểm từ thực tiễn thực hiện, bất cập từ quy định pháp luật..; Chương III, giải pháp hoàn thiện pháp luật Luật khiếu nại, Luật Tố cáo với những nội dung cụ thể; việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cần có Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về vấn đề này; tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về vấn đề này...
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện đề cương và triển khai nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng