Hội thảo lần 1 đề tài khoa học cấp bộ năm 2024 - 2025 “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp”.
Ngày đăng:  15/08/2024 | 08:47 SA | 54
quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp”. Ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trực tuyến - Thực trạng và giải pháp” tổ chức hội thảo lần 1. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Cl&KHTT, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm đề tài, chủ trì hội thảo.
...

Trình bày tóm tắt nội dung đề tài, TS. Cung Phi Hùng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến là một phần trong nội dung chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là những nội dung được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về ứng dụng CNTT. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về ứng dụng CNTT. Đặc biệt, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về phê duyệt Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nhà nước. Mọi công dân ngồi tại nhà mà có thể vẫn tham gia được khiếu nại, tố cáo trực tuyến thông qua Cổng quốc gia về khiếu nại, tố cáo (như Cổng dịch vụ công quốc gia về dân cư), đảm bảo được quyền khiếu nại, tố cáo, bí mật được thông tin người tố cáo, tránh bị trả thù, trù dập.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu:  Đề xuất các giải pháp hoàn thiện luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến. Đề xuất các giải pháp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện nay. Đề tài triển khai 03 nội dung: (i) Cơ sở lý luận về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến; (ii) Thực trạng pháp luật và hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến; (iii) Đề xuất các giải pháp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, ThS. Dương Hồng Thành, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho rằng phần lý thuyết quá dài, nên biên tập gọn lại, cần nhận định rõ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến chỉ là một biện pháp để nâng cao hiệu quả tiếp công dân. Đề tài tập trung nhiều về nội dung công nghệ, cần bổ sung đánh giá về thực trạng con người. Đề tài cần xây dựng được một quy trình cụ thể.

TS. Mai Văn Duẩn, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá đây là một đề tài mới, một mô hình mới. Hiện nay mới có một số địa phương đang triển khai làm thí điểm như: Bắc Ninh, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội mới chỉ thí điểm tại một số điểm. Phần lý thuyết đề tài cần phân biệt rõ tiếp công dân trực tuyến và tiếp công dân trực tiếp. Trực tuyến chỉ là một phương pháp để hỗ trợ, không thể thay thế được tiếp công dân trực tiếp. Đề tài cần đánh giá được sự cần thiết phải xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến, những lợi ích mang lại, để thực hiện được cần xây dựng cơ sở vật chất, con người ra sao.  Chương 2 cần bổ sung đánh giá sâu thực trạng mô hình của một số địa phương đã áp dụng trực tuyến. Chương 3 nên đổi lại tiêu đề là: Xây dựng mô hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tuyến. Tại Chương 3 cần đưa ra được các giải pháp: Các mô hình theo quy chế của Thanh tra Chính phủ để lựa chọn, áp dụng; đưa ra được các lộ trình thực hiện; xây dựng được quy chế tiếp công dân trực tuyến; luật hóa mô hình tiếp công dân trực tuyến, điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật.

ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin – Thư viện, Viện  CL&KHTT góp ý đề tài cần đưa ra được các khái niệm cơ bản, cụ thể hơn. Chương 1 cần nhấn mạnh và làm rõ hơn yếu tố tác động (sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền).

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin – Thư viện, Viện CL&KHTT góp ý đề tài bổ sung thêm nội dung kinh nghiệm quốc tế về mô hình tiếp công dân, tiếp nhận đơn phản ánh, tố cáo trực tuyến.

Đ/c Lưu Ngọc Vân, Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đề tài cần tập trung làm rõ hơn tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến. Phần thực trạng bổ sung thêm đánh giá nền tảng, cơ sở khoa học dữ liệu. Vì thực tế tiếp công dân trực tuyến hiện nay chưa phổ biến và áp dụng nhiều do đó tại phần giải pháp đề tài nên bổ sung thêm tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mọi người có thể tiếp cận rộng rãi hơn.

TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện CL&KHTT đánh giá Chương 1 cần bổ sung thêm các yếu tố cấu thành (Web, Cổng thông tin hay điểm cầu…), các bộ phận chức năng của cơ quan nhà nước đứng sau để vận hành mô hình này như thế nào? Cần có một mô hình chung nhất, và ở Việt Nam mô hình này hiện nay đang như thế nào?. Tại Chương 1, cần điều chỉnh lại một số khái niệm cho chính xác hơn. Phần mục tiêu có đánh giá tác động, tuy nhiên trong nội dung chưa thấy thể hiện, cần bổ sung cho phù hợp và khớp với mục tiêu đã đề ra. Chương 2 bổ sung thêm đánh giá hiện trạng của các yếu tố đảm bảo.

Kết thúc hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề và tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng