Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước - Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng”
Ngày đăng:  28/09/2024 | 10:17 SA | 53
Ngày 27/9/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước – Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng” (Đề tài) tổ chức Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu Đề tài (Hội thảo). ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
...

Theo ThS. Lê Thị Thúy, kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là việc áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các tình huống trong đó lợi ích cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn làm trong doanh nghiệp, tổ chức có thể ảnh hưởng, tác động không đúng đến việc thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đó khi tham gia vào các giao dịch của công ty.

Trình bày kết quả nghiên cứu, theo Chủ nhiệm, Đề tài có kết cấu ba chương: i) Cơ sở lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng từ phương diện lý luận; ii) Thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng từ phương diện thực tiễn; iii) Quan điểm, giải pháp về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, giải pháp cho vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Xuyên suốt nội dung ba chương, Đề tài nghiên cứu nguy cơ xung đột lợi ích, nội dung, phương thức, quy định pháp luật, thực trạng, giải pháp, kiến nghị về kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty đại chúng, trong tổ chức tín dụng, trong tổ chức xã hội hoạt động từ thiện… và một số nội dung khác có liên quan.

Đề cập đến giải pháp, kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về kiểm soát cung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Đề tài đưa ra một số giải pháp, kiến nghị cụ thể như sau: Một là, ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng; hai là, UBND các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn; ba là, Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; bốn là, nâng cao năng lực quản trị nội bộ của doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tín dụng thông qua các biện pháp về sở hữu vốn, cổ phần; việc đánh giá năng lực và xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế…

Góp ý kết quả nghiên cứu đề tài, ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT cho rằng, Đề tài đang bám sát các chủ thể được nghiên cứu theo Luật Phòng, chống tham nhũng vì đây là những chủ thể có nguy cơ phát sinh tham nhũng nhiều. Từ nội dung, phương thức kiểm soát đặt ra chủ thể kiểm soát, tập trung vào doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; nguy cơ xung đột lợi ích cần thể hiện ở nguy cơ tiềm ẩn về tỷ lệ sở hữu vốn của các tổ chức, cá nhân. Về nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích đối với các tổ chức tín dụng, ThS Lê Văn Đức cho rằng, trong những năm qua do chính sách phát triển nhanh, chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc nhiều tổ chức tín dụng được thành lập, song mô hình quản trị, cơ cấu tổ chức, quy mô vốn thấp… là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích ở các tổ chức này…

TS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT chia sẻ vấn đề vi phạm pháp luật và xung đột lợi ích, theo đó, trong nội dung nghiên cứu đề tài cần tách bạch hai nội dung này. Đề tài có thể cân nhắc về việc kiểm soát nội bộ, trong đó đề cập đến cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đối với kiểm soát xung đột lợi ích…

Chia sẻ về ý kiến trên của TS. Phạm Thị Huệ, ThS. Lê Thị Thúy cho rằng, xung đột lợi ích rất khó tách bạch với vi phạm pháp luật, vì có những vi phạm pháp luật xảy ra, từ đó mới thấy rằng vi phạm đó xuất phát từ xung đột lợi ích, nên cần xét xung đột lợi ích trong mối quan hệ với vi phạm pháp luật…

ThS. Nguyễn Đăng Hạnh - Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT cho rằng, nếu đề tài nghiên cứu cả cơ chế kiểm soát nội bộ, thì Ban Chủ nhiệm đề tài cần rà soát, bổ sung thêm một số nội dung ở phần tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để thống nhất các nội dung nghiên cứu…

Theo ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, đề tài cần luận giải quan niệm về kiểm soát, đề cập đến những vấn đề về thanh tra, kiểm tra; làm rõ quan niệm về xung đột lợi ích, nhóm lại những hành vi hay xảy ra xung đột lợi ích; kiểm soát xung đột lợi ích, đề cập đến công tác chỉ đạo điều hành…

Trên cơ sở những góp ý của đại biểu tham dự, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu ý kiến và hoàn thiện kết quả đề tài trong thời gian tới./.

 

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng