Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024: “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước”
Ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS. Nguyễn Tuấn Khanh Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, phân quyền, phân cấp trong thanh tra, kiểm tra là lĩnh vực rất đặc thù, vì đây là nội dung của chu trình quản lý là nước và là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và bất cập trong quản lý. Vì vậy, phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong thanh tra, kiểm tra nói chung phải được thực hiện theo những nguyên tắc đặc thù.
Đề tài bố cục gồm 3 phần: (1) Khái quát về phân cấp, phân quyền và yêu cầu đối với thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước; (2) Thực trạng phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra; (3) Phương hướng và giải pháp về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Đề tài đã làm rõ được thực trạng phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể là đã khái quát về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu của phân cấp, phân quyền trước khi có Luật Thanh tra năm 2022. Làm rõ thực trạng thanh tra, kiểm tra hiện nay trước yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và chỉ ra được những hạn chế, bất cập, nguyên nhân: Thứ nhất, chưa phân định thẩm quyền giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, điều này dẫn đến việc tiến hành các hoạt động kiểm tra không thống nhất, còn thiếu cơ sở ban hành các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành; Thứ hai, Luật Thanh tra năm 2022 chưa phân định rõ thẩm quyền gắn với phạm vi đối tượng thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; Thứ ba, từ khi có Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực đến nay, chỉ các cơ quan thanh tra mới được tiến hành thanh tra. Do vậy không thể đặt ra việc phân cấp của cơ quan quản lý nhà nước cho các cơ quan này trong tiến hành các hoạt động thanh tra. Việc đặt ra vấn đề phân cấp, phân quyền giữa cơ quan thanh tra “cấp trên” với cơ quan thanh tra “cấp dưới” cũng chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn; Thứ tư, thực tế hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa tạo được dấu ấn nổi bật trong kiểm soát quyền lực; Thứ năm, những vấn đề lý luận và cơ sở pháp lý về hoạt động kiểm tra trong quản lý nhà nước vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa đề cập đến phân cấp, phân quyền trong hoạt động kiểm tra; Thứ sáu, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa có lộ trình, kế hoạch tập trung vào những lĩnh vực phân cấp, phân quyền theo yêu cầu đặt ra trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương; Thứ bảy, việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu, một số mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược chậm được thực hiện.
Nguyên nhân của những bất hạn chế, bất cập trên do: Về nhận thức; về cơ sở quy định về phân quyền, phân cấp; về phân cấp, phân quyền nhưng chưa bảo đảm quản lý thống nhất, nhất quán, chưa đều giữa các địa phương; về một số nội dung quản lý chưa được phân định rõ rang, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; về chính quyền địa phương các cấp chưa có đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng làm được, nhưng mặt khác, một số nhiệm vụ cần quản lý tập trung, thống nhất lại được chuyển giao cho chính quyền địa phương làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước; về một số giải pháp do các địa phương thực hiện nhằm tang cường phân cấp còn thiếu tính đồng bộ, chưa phân định rõ rang, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương; về sự khác nhau về mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền thành phố với chính quyền huyện, cũng như chính quyền thị trấn, phường và chính quyền xã chưa được làm rõ,
Đề tài đã đưa ra phương hướng và giải pháp như: Giải pháp về nhận thức; về hoàn thiện thể chế; về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước; về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; về kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác thanh tra, kiểm tra; về bảo đảm sự phối hợp giữa các thiết chế thực hiện chức năng thanh tra vơi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kiểm soát đối với hoạt động quản lý nhà nước; về bảo đảm kiều kiện về tài hính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác.
Góp ý tại Hội thảo, ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ cho rằng báo tổng thuật cơ bản đã hợp lý, đã đưa ra được những hạn chế, bất cập để từ đó đưa ra những giải pháp. Cách đánh giá nguyên nhân hợp lý, tuy nhiên cần có những nhận định, khái quát rút ra để người đọc dễ hiểu hơn, cách thể hiện các hạn chế, nguyên nhân cần phân tích rõ nét hơn, biên tập lại, chuẩn hóa cho dễ hiểu hơn. Đề tài nên cân nhắc lại hạn chế thứ hai, thứ ba, hạn chế thứ 4 cần phân tích sâu hơn (do không phân cấp nên không thể phát hiện ngay từ sớm), hạn chế thứ 6 nên cân nhắc lại, hạn chế thứ 7 cân nhắc xem còn phù hợp không, Chiến lược của chúng ta có còn phù hợp không? Tại phần này nên góp ý thẳng vào những vấn đề, nội dung Chiến lược không còn phù hợp, có thể mạnh dạn thay hẳn Chiến lược mới. Các giải pháp bám vào phần hạn chế cơ bản là hợp lý.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đánh giá đề tài đã có nội dung nghiên cứu sâu, làm rõ được hai nội dung chính: phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; vai trò của thanh tra, kiểm tra trong phân cấp, phân quyền. Đề tài cần bổ sung thêm yếu tố nhận thức về công tác chỉ đạo, cân nhắc lược bớt nội dung về sự tham gia của người dân. Đánh giá về thực trạng cơ bản chi tiết, tuy nhiên cần phân tích kỹ, sâu hơn để có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá. Đề tài cần xem lại nguyên nhân, bất cấp của hạn chế 4, hạn chế 5, khó có thể đảm bảo, có thể cân nhắc lại nhận định này. Phương hướng để đẩy mạnh tăng cường tổ chức hoặt động thanh tra, phân cấp, phân quyền nên gắn với cải cách hành chính.
TS. Lê Thanh Thủy, Phó Trường khoa, Khoa Nghiệp vụ 1, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ góp ý, tại Chương I cần phân tích kỹ lưỡng, sâu hơn, làm rõ các quan điểm, khi nào cần phân quyền? khi nào phân cấp? Phần thực trạng cần kết cấu lại, chỉnh lại các đề mục, cho hợp lý hơn, bám sát Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện CL&KHTT, Thanh tra Chính phủ cũng góp ý các quan niệm, đặc điểm, phương thức, nội dung cần biên tập lại giữa nội dung và tiêu đề cho hợp lý hơn. Đề tài có thể bổ sung thêm kinh nghiệm về phân cấp, phân quyền ở những hoạt động có tính chất tương tự với thanh tra, kiểm tra, không nên đi sâu phân tích các mảng quản lý nhà nước như: Giao thông, Tài chính, Xây dựng… Quan trọng nhất cấn đánh giá được thực trạng, phần này cần phân tích sâu hơn.
TS. Phạm Tuấn Anh, Giảng viên, Khoa Nghiệp vụ 2, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng phần thực trạng cần được nhấn mạnh hơn, mục kết quả phân cấp, phân quyền nên biên tập gom lại sẽ hợp lý hơn.
Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để hoàn thiện nội dung nghiên cứu./.
Tin: Nguyễn Tuyết
Ảnh: Hữu Thắng