Họp tự đánh giá Đề tài khoa học cấp bộ “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”
Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2024, ngày 08/11, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” tổ chức Họp tự đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài. Đề tài do ThS. Nguyễn Sỹ Giao - Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài chủ trì buổi họp.
Trình bày kết quả nghiên cứu, theo ThS. Nguyễn Sỹ Giao, Đề tài có kết cấu gồm ba chương: i) Những vấn đề chung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; ii) Thực trạng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; iii) Định hướng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo Chủ nhiệm đề tài, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất có thể xảy ra trong giai đoạn xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trong giai đoạn chuẩn bị và tổ chức tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; trong giai đoạn sau quá trình đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đánh giá kết quả đạt được trong quản lý đất đai, về mặt pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất đã được ban hành và triển khai tương đối đầy đủ. Các quy định này đã đóng góp tích cực vào việc tổ chức hàng ngàn cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Nghiên cứu cũng chỉ ra những nỗ lực của chính quyền trong việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai; những kết quả đạt được từ việc áp dụng các quy định hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ; về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quản lý và sử dụng đất…
Đề tài đề ra 04 nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bao gồm: Hoàn thiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hoàn thiện biện pháp phát hiện tham nhũng tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng; giải pháp về chính sách đất đai.
Đánh giá kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Kim - Nguyên Q. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Ủy viên phản biện cho rằng Đề tài đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó, kết quả nghiên cứu đã làm rõ được những vấn đề chung về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, nghiên cứu quy định pháp luật và thực trạng thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, đồng thời, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả về vấn đề này.
Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Kim cho rằng, đây là đề tài có tính cấp thiết, nhưng là đề tài khó về mặt thực tiễn. Việc nghiên cứu cả vấn đề tham nhũng và tiêu cực sẽ gặp khó khăn, vì quy định về tiêu cực trong vấn đề này chưa cụ thể. Chương I, Đề tài cần tập trung vào khái niệm, đặc điểm, vai trò của đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các dạng biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chương II, Đề tài cần nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất diễn ra trong thời gian qua; đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực đến từ bên trong và bên ngoài của việc đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, trong đó đề cập đến lỗ hổng từ quy định pháp luật dẫn đến việc phát sinh vấn đề này. Đề tài cần bổ sung quan điểm định hướng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Chương III; đề cập đến giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, trong đó, đề cập đến giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tránh lỗ hổng trong quy định pháp luật về đấu giá, đấu thầu, đất đai và giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, Ủy viên phản biện đánh giá cao sản phẩm nghiên cứu đề tài. Trong bối cảnh Luật Đất đai đã được sửa đổi, việc triển khai đề tài gặp những khó khăn nhất định. Đề tài cần nhận diện rõ thêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Phần thực trạng, Đề tài cần có đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Đề tài cần tập trung vào nguyên nhân từ quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các giải pháp đề ra cần hướng đến sửa đổi điều luật cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo TS. Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch Hội đồng, Đề tài có tính cấp thiết và có cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung. Đề tài có bố cục mạch lạc, đã làm rõ những khái niệm có liên quan đến nội dung nghiên cứu; tổng hợp và đánh giá khung pháp lý và thực trạng phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; có bình luận, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất và đề ra các nhóm giải pháp cho vấn đề này.
Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, Đề tài cần bổ sung, nhấn mạnh đến lý do nghiên cứu chính trong phần mở đầu; Chương I, Đề tài cần làm rõ nhận diện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; bỏ phần kinh nghiệm quốc tế; Chương II, cần bổ sung thực trạng và nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; cần nêu rõ nguyên nhân từ thể chế và thực tiễn thực hiện phòng, chống tham nhũng trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; Chương III, đề cập đến quan điểm định hướng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Giải pháp cần đề cập rõ đến hoàn thiện pháp luật đất đai, đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất… Bên cạnh đó, Đề tài cần bổ sung, sửa đổi để có sự cân đối về dung lượng giữa 3 chương cho phù hợp hơn. Các thông tin, số liệu trích dẫn đưa ra cần có dẫn nguồn cụ thể.
Kết thúc buổi họp, Hội đồng thống nhất đánh giá đề tài đạt yêu cầu để đưa ra nghiệm thu chính thức, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm đề tài./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng