Hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Ngày 08 tháng 11 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do ThS.Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Chủ tịch hội đồng, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, ThS. Phạm Thị Thu Hiền trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo Ban chủ nhiệm đề tài, hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm giải trình mặc dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Một trong những lý do quan trọng dẫn tới những hạn chế này là các công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình như công cụ pháp lý, công cụ tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ còn chưa hoàn thiện. Do đó, việc nghiên cứu đề tài: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” là cần thiết để tiếp tục nghiên cứu sâu về thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình và công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam hiện nay, qua đó đánh giá tổng thể các hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân đặt ra để từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam thời gian tới.
Trên cơ sở làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn, Đề tài đề xuất hệ thống giải pháp hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước; (ii) Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính và công nghệ số; (iii) Hoàn thiện các kênh thông tin, báo chí, truyền thông.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng tự đánh giá đề tài đã cho ý kiến đóng góp để đề tài hoàn thiện về mặt thể thức và nội dung trước khi được đánh giá chính thức.
ThS. Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ đồng ý với cách thể hiện về sự cần thiết nghiên cứu đề tài. Trên thực tế, việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn nhiều hạn chế. Đối với kết quả nghiên cứu của đề tài, đề tài cơ bản bám sát được mục tiêu nghiên cứu, các thông tin, tư liệu đã được Ban chủ nhiệm thu thập đầy đủ và có tính xác thực. Đề tài đã làm rõ được những nội dung quan trọng, đó là vấn đề lý luận và thực trạng về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước, những giải pháp có tính khả thi, đặc biệt là các giải pháp hoàn thiện pháp luật. Về tiến độ tổ chức nghiến cứu, đề tài được triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị hơn, trong phần lý luận, Ban chủ nhiệm đề tài cần nêu rõ những đặc trưng của trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước; tên mục 2.1.1 là “Thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước theo phạm vi thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” cần thể hiện lại cho dễ hiểu hơn; trong Chương II, cần thể hiện thêm ưu điểm là vấn đề trách nhiệm giải trình đã được Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhiều hơn; bổ sung thêm giải pháp cần có cơ chế giám sát để cơ quan giải trình báo cáo lại.
ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhất trí với nhiều nội dung góp ý của ThS. Văn Tiến Mai. Đề tài có phạm vi rộng về nội dung, tuy nhiên, được triển khai khoa học, hợp lý, có tính logic giữa các nội dung. Tuy nhiên, Đề tài cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung sau: Đề tài cần xác định trọng tâm chủ thể; xác định rõ hơn hệ quả pháp lý. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì hậu quả pháp lý là gì; phân tích đặc trưng chính trị pháp lý của Việt Nam ảnh hưởng đến thực hiện trách nhiệm giải trình; làm rõ trách nhiệm giải trình ở cấp địa phương; chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật.
Kết thúc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Văn đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung sau: Sửa mục lời nói đầu, thuyết minh rõ hơn lý do nghiên cứu; bổ sung tình hình nghiên cứu, sắp xếp lại trật tự các mục. Đối với Chương I, Đề tài cần bổ sung đặc trưng của trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam, luận giải rõ nội dung giải trình, cân nhắc có trách nhiệm giải trình chủ động hay không? bổ sung nội dung yếu tố bảo đảm. Đối với Chương II, điều chỉnh tên các mục cho rõ ý hơn, nhấn mạnh đánh giá chất lượng hoặt động giải trình, xác định rõ trọng tâm, tránh lan man. Đối với Chương III, nhấn mạnh giải pháp bảo đảm thực hiện lời hứa, các giải pháp phải có trọng tâm và căn cứ vào đặc thù chính trị, pháp lý của Việt Nam; sửa, chỉnh lại Danh mục tài liệu tham khảo và chỉnh sửa kỹ thuật.
Theo kết quả bỏ phiếu của thành viên Hội đồng, đề tài được đánh giá đạt, đủ điều kiện để đánh giá chính thức.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng