Họp tự đánh giá Đề tài khoa học cấp bộ “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước - Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng”
Ngày đăng:  14/11/2024 | 03:55 CH | 45
Ngày 14/11/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước - Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng” (Đề tài) tổ chức họp tự đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài. Đề tài do ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài chủ trì buổi họp.
...

Theo ThS. Lê Thị Thúy, kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là việc áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tình huống trong đó lợi ích cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức có thể hoặc có ảnh hưởng, tác động không đúng đến việc thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đó.

Đề tài được kết cấu 03 chương: i) Cơ sở lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng; ii) Thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; iii) Quan điểm, giải pháp về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

 Nghiên cứu việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Đề tài tập trung nghiên cứu ở ba nhóm chủ thể, đối tượng, biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty đại chúng, trong tổ chức tín dụng, trong tổ chức xã hội trong hoạt động từ thiện. Theo đó, phần thực trạng, Đề tài nghiên cứu, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở ba nhóm chủ thể này.

Về giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Đề tài đề ra các giải pháp, kiến nghị về kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty đại chúng, trong tổ chức tín dụng, trong tổ chức xã hội hoạt động từ thiện và giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, theo ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Cục trưởng Cục II - Thanh tra Chính phủ - Ủy viên phản biện, Đề tài có tính cấp thiết trong bối cảnh quy định pháp luật mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư. Đề tài có nội dung, kết cấu rõ ràng, cụ thể. Phạm vi nghiên cứu đề tài tập trung ở 03 nhóm chủ thể theo Luật Phòng, chống tham nhũng là phù hợp. Tuy nhiên, nguy cơ tham nhũng có thể xuất hiện ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác ngoài nhóm chủ thể được đưa ra, Đề tài cần bổ sung số lượng các tổ chức tín dụng hiện nay; đánh giá việc các tổ chức tín dụng đã ban hành quy chế kiểm soát xung đột lợi ích trong nội bộ doanh nghiệp…

Theo ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT - Ủy viên thư ký, Đề tài có tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nội dung nghiên cứu đề tài đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ThS. Lê Văn Đức cho rằng, đề tài có nội dung gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, do vậy, nội hàm khái niệm kiểm soát xung đột lợi ích cần tập trung quan niệm về xung đột lợi ích mang tính hiện hữu nhiều hơn quan niệm xung đột lợi ích mang tính tiềm ẩn. Về nội dung nghiên cứu, Chương I, Đề tài cần bổ sung đặc điểm của kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; về vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Đề tài cần bổ sung thêm dung lượng và đặt thành các mục cụ thể, trong đó có vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước; đối với xã hội do các chủ thể này có sự huy động nguồn lực từ phía xã hội và tiếp cận với góc độ về kinh tế. Chương II, trong phần đánh giá tồn tại, hạn chế, Đề tài đề cập đến Thông tư 16/2024 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại Khoản 5 Điều 137 Luật các tổ chức tín dụng của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng; bổ sung nguyên nhân khách quan phải phòng ngừa, xử lý vi phạm của các tổ chức tín dụng. Về giải pháp tại Chương II, cần bổ sung nhóm giải pháp liên quan đến Luật Chứng khoán sửa đổi; giải pháp về thanh tra chuyên đề về phát hành trái phiếu đối với doanh nghiệp; giải pháp áp dụng các chuẩn mực kế toán...

TS. Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài về phương pháp và nội dung nghiên cứu.

Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, theo TS. Nguyễn Huy Hoàng, tên đề tài có gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, do vậy, những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải được giải quyết ở Chương III, đưa ra giải pháp, kiến nghị đối với công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Về nội dung cụ thể, Chương I của Đề tài cần làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò của kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó khái niệm của Đề tài đưa ra cần hướng đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; bổ sung yếu tố tác động đến hiệu quả công tác kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Chương II, Đề tài có thể tách ra mục đánh giá riêng về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Chương III, các giải pháp đang chia theo nhóm chủ thể, Đề tài có thể tách các giải pháp trên phương diện hoàn thiện thể chế; giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chung cho cả ba nhóm chủ thể và giải pháp riêng cho từng nhóm chủ thể.

Kết thúc buổi họp, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm. Với kết quả đạt được, Hội đồng đánh giá đề tài đạt yêu cầu để đưa ra nghiệm thu chính thức./.

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng