Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng”
Ngày đăng:  13/11/2024 | 03:10 CH | 46
Ngày 13 tháng 11 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng” do ThS. Nguyễn Phương Vy, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm Chủ nhiệm đề tài. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Chủ tịch hội đồng, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các phòng thuộc Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
...

Mở đầu hội nghị, ThS. Nguyễn Phương Vy trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Trên cơ sở mục tiêu chung là nghiên cứu cơ sở lý luận, pháp lý và làm rõ thực trạng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó đưa ra giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng, Đề tài đã triển khai nghiên cứu 03 nội dung: Một số vấn đề lý luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng; Thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm đề tài cũng chia sẻ phương pháp triển khai đề tài, trong đó nhấn mạnh những tiếp thu và những lý giải về quan điểm nghiên cứu còn vướng mặc hoặc nhiều tranh luận sau khi tổ chức 02 cuộc hội thảo trước và mong muốn được sự góp ý của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm đề tài đạt chất lượng tốt nhất.

Sau khi nghe Chủ nhiệm trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài về tính cần thiết, sự nỗ lực nghiên cứu của Chủ nhiệm và các nội dung nghiên cứu. ThS. Chu Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhận xét, xuất phát từ địa vị pháp lý của Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết. Đề tài nghiên cứu phù hợp với Định hướng nghiên cứu của Ngành, sử dụng phương pháp phù hợp. Đề tài bám sát nội dung nghiên cứu chính và có sự điều chỉnh, phát triển để phù hợp hơn so với Thuyết minh ban đầu được phê duyệt. Đề tài có dung lượng nghiên cứu dày dặn, được thể hiện với văn phong rõ ràng, từ ngữ sử dụng chuẩn xác và các giải pháp có giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đề tài có nhiều nội dung còn dàn trải, chưa tập trung, chưa thể hiện rõ ý nên cần cân nhắc thể hiện gọn lại và rõ ý hơn; cơ cấu của 03 chương chưa cân đối, cần giảm dung lượng nghiên cứu của Chương II; việc trích dẫn một số văn bản còn chưa chính xác; làm rõ nội dung ở mục 1.2.2, thể hiện theo 03 giai đoạn: Phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng ngừa, Đề tài cần làm rõ việc phát hiện và kiến nghị những sơ hở trong cơ chế quản thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Chủ nhiệm đề tài cần rà soát lại lỗi kỹ thuật, bổ sung số liệu và các đánh giá nên cụ thể hơn.

Tiếp theo, ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Chủ nhiệm đề tài có sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, sản phẩm dày dặn, đảm bảo những nội dung cơ bản đã được phê duyệt và đặc biệt, Chương II chứa nhiều thông tin về thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Đề tài cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Kết cấu 03 chương chưa được hợp lý, cần có sự điều chỉnh; tên mục 1.1 nên sửa thành “cơ sở lý luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng”. Trong phần lý luận, Chủ nhiệm cần đưa ra quan niệm về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; luận giải rõ “công tác” phòng, chống tham nhũng; quan điểm về Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng là nội dung quan trọng cần được đưa vào nghiên cứu; bổ sung nội dung phương thức, đối tượng tác động của nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng; mục 1.3 nên bổ sung nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và mối quan hệ phối hợp.

Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Huy Hoàng khẳng định, đây là một đề tài khó và có tính thời sự, thực tiễn. Chủ tịch hội đồng đồng tình với những đánh giá của các thành viên Hội đồng. Tuy nhiên, Đề tài cần bám sát vào mục tiêu nghiên cứu chung và những luận giải mang tính cấp thiết. Đối với Chương I, tại mục 1.1 là cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện cần bổ sung quan niệm, đặc điểm, vai trò của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng;  mục 1.2 điều chỉnh lại tên mục là nội dung và cách thức của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng; mục 1.3 các yếu tố bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện bổ sung sự chỉ đạo, điều hành, cơ sở vật chất, sự phối hợp trong phòng, chống tham nhũng. Đối với Chương II, mục 2.2 về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng cần đánh giá thêm một số địa phương và khuôn lại phạm vi; bổ sung nội dung đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng.Trên cơ sở những nguyên nhân mà Đề tài đưa ra tại Chương II, các giải pháp tại Chương III, Đề tài cần bổ sung quan điểm, định hướng đối với việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng; cần bám sát những tồn tại, hạn chế, những luận giải nguyên nhân và cần có giá trị thực tiễn hơn. Về kết cấu, Chủ tịch hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài kết cấu lại các chương cho phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, Đề tài được xếp loại Khá và đề nghị Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện sản phẩm đề tài theo kết luận Hội đồng.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng