Hội nghị đánh giá, nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”
Ngày đăng:  22/11/2024 | 03:55 CH | 41
Ngày 22 tháng 11 năm 2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”. Đề tài do ThS. Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đề tài. Đồng chí Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Hội đồng; cán bộ Ban Tiếp công dân Trung ương, Văn phòng Thanh tra Chính phủ và đại diện các phòng thuộc Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
...

Mở đầu Hội nghị, thay mặt Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra báo cáo về tiến độ, nội dung các công việc mà Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện theo thuyết minh đề tài được phê duyệt; khẳng định Đề tài đủ điều kiện để tổ chức nghiệm thu chính thức; Đồng chí Trần Thị Tú Uyên, Chuyên viên chính, Phòng Quản lý khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đọc Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức của Đề tài.

Tiếp theo, ThS. Dương Văn Huế trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Đề tài được kết cấu theo 03 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị; Chương 2: Thực trạng tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị; Chương 3: Quan điểm, giải pháp đổi mới tiếp công dân của hệ thống chính trị.

Tại Chương I, Đề tài đã luận giải, làm rõ 06 nội dung, cụ thể, Đề tài đã đưa ra quan niệm đặc điểm về hệ thống chính trị Việt Nam; cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam. Đề tài cũng đưa ra quan niệm về nội hàmđổi mới”. Trong phạm vi đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp cận phạm vi “đổi mới” ở mức độ là sự cải tiến, hoàn thiện những cái đang có để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng chính là luận điểm khoa học xuyên suốt toàn bộ nội dung nghiên cứu. Cũng tại Chương 1, Đề tài đã luận giải các quan niệm về: Tổ chức tiếp công dân, hoạt động tiếp công dân, từ đó đề tài đưa ra quan niệm về đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân; khái quát về mô hình tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; phân tích và làm rõ đặc điểm của hoạt động tiếp công dân. Về nội dung vai trò của việc đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam, Đề tài đã phân tích 04 vai trò của việc đổi mới, trong đó vai trò quan trọng nhất là: “Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị”. Nội dung cuối cùng của Chương 1, Đề tài đã làm rõ “Những yếu tố tác động đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.

Tại Chương II, Chương này được kết cấu thành 03 nội dung chính: Thứ nhất, về nội dung: “Thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của Hệ thống chính trị Việt Nam”. Nội dung này, Đề tài đã rà soát, phân tích các quy định pháp luật, quy định của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam; Thứ hai, về nội dung: “Thực trạng hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”, Đề tài đã phân tích, đánh giá theo các Nhóm chủ thể về (1) Thực trạng hoạt động tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước, (2) Thực trạng hoạt động tiếp công dân của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, (3) Thực trạng hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, (4) Thực trạng hoạt động tiếp công dân của Mặt trận Tổ quốc việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, (5) Thực trạng hoạt động tiếp công dân trong các cơ quan của Đảng. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, Đề tài đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam. Từ đó, Đề tài đã chỉ ra 05 nguyên nhân cơ bản dẫn tới những tồn tại, hạn chế về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị.

Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tại Chương II, tại Chương III, đề tài đã đưa ra 05 quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam và các nhóm giải pháp  hoàn thiện pháp luật và đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam. Trong các nhóm giải pháp, Ban chủ nhiệm nhấn mạnh đến các giải pháp sau đây: i) Giải pháp về hoàn thiện pháp luật; ii) Giải pháp về tổ chức bộ máy; iii) Giải pháp về hoạt động tiếp công dân.

Góp ý tại Hội nghị, ThS. Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài là cần thiết; phương pháp nghiên cứu phù hợp, đảm bảo được mục tiêu nghiên cứu của Đề tài. Đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận; đánh giá sâu sắc và toàn diện thực trạng, số liệu phong phú và đáng tin cậy, tìm ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó; các quan điểm, giải pháp có tính đồng bộ, cụ thể và có tính khả thi. Tuy nhiên, để Đề tài có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn hơn, Ban chủ nhiệm đề tài cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Nên có điều tra xã hội học thì nội dung nghiên cứu sẽ thuyết phục hơn; bổ sung bài học kinh nghiệm; vấn đề về cơ sơ dữ liệu quốc gia về tiếp công dân cần được đánh giá sâu sắc hơn; bổ sung giải pháp về công nghệ số.

ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét lại thuật ngữ “thủ trưởng các cơ quan trong hệ thống chính trị” đảm bảo chính xác, thống nhất; thực trạng pháp luật nên được sửa là quy định pháp luật hiện hành.

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận xét, Đề tài cần cơ cấu Chương II cho gọn lại; mục 1.1, 1.2 và 1.5 nên gộp lại thành một nội dung; xem xét lại một số cách thể hiện nội dung nghiên cứu cho chuẩn xác.

ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Đề tài cần thống nhất nhận thức về cấu trúc của hệ thống chính trị tại trang 14 và trang 19 của Báo cáo tổng thuật; bổ sung chế định của Chủ Tịch nước tại trang 16; bổ sung số liệu tiếp công dân 06 tháng đầu năm 2024; bổ sung các nguyên nhân sau: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy, thủ trưởng các cơ quan trong công tác tiếp công dân; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, Ban tiếp công dân Trung ương với tiếp công dân ở bộ, ngành, địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin là một giải pháp quan trọng; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Đề tài nên thể hiện rõ ở phần kiến nghị các điều và văn bản cần sửa đổi; xây dựng mới cụ thể là văn bản gì và ai thực hiện việc soạn thảo văn bản này.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng nhận xét, Đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận; đánh giá sâu sắc thực trạng; các giải pháp có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng và cũng là kết luận của Chủ tịch, đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa một số nội dung trước khi nộp sản phẩm về Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra: Đề tài có thể tiến hành khảo sát điều tra xã hội học thì chất lượng sẽ tốt hơn; nội dung tồn tại, nguyên nhân có một số còn trùng lắp nên cần được thể hiện lại. Việc xây dựng nền móng trong việc tiếp công dân phải được xây dựng từ cơ sở, nơi giải quyết trực tiếp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân. Đặc biệt, Đề tài cần bổ sung việc đánh giá hiệu quả tiếp công dân của các các cơ quan tiếp công dân; thống nhất việc đổi mới phải mang tính toàn diện từ quy định pháp luật cho đến vấn đề con người gắn với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền; việc đổi mới cán bộ tiếp công dân phải gắn với quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, Đề tài được xếp loại Xuất sắc và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện sản phẩm theo kết luận của Hội đồng.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng