Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài “Điều kiện bảo đảm thực hiện kếhoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp”
Ngày 28/11/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở “Điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp” (Đề tài) tổ chức hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài (Hội thảo). CN. Nguyễn Bạch Tuyết - Phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo, theo CN. Nguyễn Bạch Tuyết, thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra là quá trình liên tục và gắn kết, bao gồm việc lập kế hoạch thanh tra trên cơ sở phân tích thông tin, xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung và phương pháp thanh tra, đồng thời triển khai các hoạt động thanh tra theo kế hoạch đã lập, với sự điều phối nguồn lực, giám sát tiến độ và xử lý các vấn đề phát sinh, nhằm đạt được kết quả thanh tra chính xác, khách quan, minh bạch và hiệu quả. Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, Đề tài quan niệm “Điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra là tổng hòa các yêu cầu cần được đáp ứng để đảm bảo kế hoạch tiến hành thanh tra được thực hiện một cách hệ thống, đáp ứng nội dung, phạm vi, và phương pháp thực hiện trên cơ sở cân đối các nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả, hợp pháp và khoa học”.
Với mục tiêu làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện các điều kiện bảo đảm việc thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ, đề tài nghiên cứu 03 nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ; ii) Thực trạng điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ; iii) Giải pháp nâng cao điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Nghiên cứu các điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra, Đề tài đề cập đến điều kiện pháp lý; điều kiện về năng lực nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn ngành nghê, kinh nghiệm làm việc; điều kiện về môi trường làm việc, phương pháp và quy trình thanh tra, và giám sát hoạt động thanh tra; sự hợp tác của đối tượng thanh tra và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; năng lực chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra; kiểm tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra.
Trên cơ sở nghiên cứu kết quả thực hiện thanh tra của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021-2023; thực trạng xây dựng và thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ qua một số cuộc thanh tra; đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra, Đề tài đưa ra 02 nhóm giải pháp nâng cao điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể, về giải pháp hoàn thiện pháp luật, Đề tài đề xuất quy định cụ thể về trách nhiệm của người ký quyết định thanh tra và thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trong kiểm soát tiến độ, kế hoạch thực hiện; bảo đảm yêu cầu về xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; quy định về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch tiến hành thanh tra. Về giải pháp tổ chức thực hiện, bao gồm: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra; đổi mới phương pháp, cách thức xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra; nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; bảo đảm việc thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra.
Góp ý kết quả nghiên cứu đề tài, theo ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, Đề tài có kết cấu phù hợp; Chương I, Đề tài cần làm rõ thêm kế hoạch tiến hành thanh tra; khái niệm về thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra cần so sánh với kế hoạch thanh tra đã được ban hành; về giải pháp được đề cập ở Chương III, cần đề cập đến giải pháp về công tác chỉ đạo điều hành khi tiến hành 1 cuộc thanh tra…
Theo ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, đây là đề tài hay, đề cập đến biện pháp nghiệp vụ gắn với thực tiễn. Tuy nhiên, đây cũng là đề tài khó, bởi lẽ, kế hoạch tiến hành thanh tra là tài liệu mật, việc tiếp cận với tài liệu này là rất khó. Chương I, Đề tài cần bổ sung tiếp cận về hoạt động thanh tra; cần xem lại đặc điểm về tính minh bạch của kế hoạch tiến hành thanh tra; phần cơ sở pháp lý tại mục 1.2.1 cần chuyển xuống Chương II cho phù hợp. Về tồn tại, hạn chế được đề cập ở Chương II, Đề tài cần biên tập lại theo hướng ngắn gọn; đề cập đến tồn tại hạn chế của kế hoạch tiến hành thanh tra, cần xét đến phương pháp thực hiện, bởi lẽ đây là khâu yếu, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong kế hoạch tiến hành thanh tra. Về giải pháp, cần tham khảo Luật Thanh tra năm 2022, trong đó có đề cập đến quy định việc cán bộ không phải là thanh tra viên khi tham gia Đoàn thanh tra không có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu và yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình. Vì vậy khi phân công nhiệm vụ trong kế hoạch tiến hành thanh tra phải phù hợp với quyền được pháp luật thanh tra quy định; Luật thanh tra 2022 có quy định mới về sửa đổi bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra, Đề tài cần làm rõ căn cứ sửa đổi bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra nhằm tránh sự tùy tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT cho rằng, Chương I đang đề cập đến nhiều quan niệm ở nhiều mục khác nhau, Đề tài cần gộp lại, đưa vào một mục chung về quan niệm nhằm tránh sự dàn trải; làm rõ nội dung, vai trò, ý nghĩa của các điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra; Mục 1.3.3 về phân loại các điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra, cần xem lại điều kiện về mặt pháp lý, thay vào đó là điều kiện bảo đảm chất lượng kế hoạch tiến hành thanh tra; có đánh giá chất lượng bảo đảm thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra…
Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự để hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng