Họp phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2025: “Hoàn thiện pháp luật về chuyền đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng”
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ năm 2025, ngày 10 tháng 02 năm 2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức phê duyệt đề tài khoa học cấp cơ sở: “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng” do CN. Trần Lan Hương, Nghiên cứu viên, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đăng ký làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến luợc và Khoa học thanh tra, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt thuyết minh đề tài chủ trì cuộc họp.
Trình bày tại cuộc họp, CN. Trần Lan Hương cho biết, chuyển đổi vị trí công tác là một biện pháp giúp nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Chuyển đổi vị trí công tác không những tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau qua đó góp phần điều chỉnh, tăng cường cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ cho các lĩnh vực quản lý, địa bàn cần thiết khi có yêu cầu. Thông qua việc chuyển đổi vị trí công tác sẽ là một biện pháp kiểm soát công việc lẫn nhau, người làm việc sau kiểm tra công việc của người trước đó, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực và tăng cường ý thức kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, chuyển đổi vị trí công tác được coi là một giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng nhằm tránh tình trạng một người làm quá lâu ở một vị trí, lợi dụng vị trí công tác, mối quan hệ quen biết trong công tác để thực hiện hành vi tham nhũng.
Tại một số cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã nhận thức và quán triệt việc chuyển đổi vị trí công tác là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên góp phần phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng vẫn còn gặp một số khó khăn do những bất cập xuất phát từ khung pháp lý hiện nay: Thứ nhất, một số đối tượng, ngành nghề phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật hiện hành chưa phù hợp với mục đích phòng, chống tham nhũng; Thứ hai, một số danh mục, lĩnh vực, ngành nghề phải chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng không phù hợp với thực tiễn; Thứ ba, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hai thuật ngữ “chuyển đổi vị trí công tác” và “điều động” trong Luật Cán bộ, công chức; Thứ tư, pháp luật hiện hành chưa xây dựng tiêu chí về danh mục lĩnh vực, ngành nghề dễ phát sinh tham nhũng làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở danh mục xác định lại trọng tâm các vị trí công tác phải chuyển đổi vị trí công tác theo hướng tính đến thực tế các vị trí công tác đó có cơ hội tham nhũng thực sự hay không; Thứ năm, chưa có chính sách được ban hành cùng với việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác một cách cụ thể, rõ ràng như nhà ở công vụ, phụ cấp đi lại, nâng bậc lương trước thời hạn, hoặc có cam kết khi hết thời hạn chuyển đổi thì được trở lại đơn vị cũ làm việc dẫn đến việc việc chuyển đổi vị trí công tác công tác gặp nhiều khó khăn; Thứ sáu, chế tài về xử lý vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi vị trí công tác nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng thẩm quyền vì mục đích vụ lợi, tiêu cực liên quan đến chuyển đổi vị trí công tác chưa cụ thể; chưa gắn tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc ra quyết chuyển đổi vị trí công tác.
Vì những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài: “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng” là cần thiết nhằm làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng. Kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng; là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng có liên quan khác.

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, TS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Đề tài cần xác định hai vấn đề: Hoàn thiện pháp luật và chuyển đổi vị trí công tác. Hiện nay, nội dung Thuyết minh đang thiên nhiều về nội dung thứ hai, và như này, nội dung thứ nhất như là một đầu ra của nội dung thứ hai. Do vậy, Thuyết minh đề tài cần thể hiện lại một số nội dung sau: Về tính cấp thiết, đã thể hiện khá tốt, có sự dẫn dắt với những kết quả, hạn chế để làm nổi bật lên sự cần thiết khi lựa chọn vấn đề. Tuy nhiên, cần đề cập hơn tính thời sự, nên lấy số liệu báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh mấy năm về trước. Mục tiêu cụ thể đang thiếu một mảng lý luận về pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nên cần bổ sung thêm những vấn đề: Chương I, cần đưa ra vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi; tên những vấn đề chung cần sửa thành những vấn đề chung về hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi bị trí công tác; bổ sung một số quan niệm về hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng, nội dung của việc hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng; bổ sung các yếu tố bảo đảm và tiêu chí hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh, Đề tài có tính cấp thiết trong bối cảnh nội dung về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng đặt ra yêu cầu về hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Từ thực tiễn công tác chuyển đổi vị trí công tác tại một số ngành, lĩnh vực, đặc thù còn khó khăn, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu. Tuy nhiên, Thuyết minh đề tài cần được khoanh lại phạm vi nghiên cứu trong một số lĩnh vực đặc thù như thuế, hải quan… Về nội dung nghiên cứu, Thuyết minh đề tài cần bổ sung khái niệm “hoàn thiện pháp luật”; cần xây dựng tiêu chí xác định vị trí, danh mục dễ phát sinh tham nhũng để xây dựng Danh mục cho phù hợp. Đối tượng nghiên cứu là việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng. Phần giải pháp, Thuyết minh đề tài bổ sung giải pháp tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với một số lĩnh vực đặc thù; bổ sung giải pháp về công tác tổ chức thực hiện, nguồn lực thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhung.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng và đồng thời cũng là kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Huy Hoàng yêu cầu Thuyết minh đề tài cần được sửa đổi, bổ sung những vấn đề sau: Hoàn thiện pháp luật về chuyền đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng sẽ là kết quả đầu ra ở Chương III, Chương I và Chương II nghiên cứu vấn đề pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng; phạm vi nghiên cứu của đề tài là tiếp cận nghiên cứu pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đến nay; tính cấp thiết thể hiện lại cho rõ, đề cập vấn đề chuyển đổi vị trí công tác là một biện pháp phòng ngừa, để cụ thể hóa nó đã có nhiều quy định về vấn đề này và trên thực tế thực hiện, đã có nhiều những hạn chế, bất cập cần được khắc phục; Các công trình nghiên cứu loại bỏ những công trình không thiết thực đối với nội dung nghiên cứu. Đối với nội dung nghiên cứu, Nội dung 1 là những vấn đề chung về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng cần đưa ra quan niệm, đặc điểm vai trò pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác, nội dung pháp luật về chuyển đổi, điều kiện đảm bảo cho việc chuyển đổi. Nội dung 2 là thực trạng pháp luật và việc thực hiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng cần đưa ra những kết quả thực hiện pháp luật và trên cơ sở đó đánh giá việc thực hiện. Nội dung 3 là quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, chống tham nhũng.
Kết thúc cuộc họp, Hội đồng thống nhất phê duyệt Thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu trong năm 2025.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng