Hội nghị phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2025: “Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp qua công tác thanh tra”
Ngày đăng:  18/02/2025 | 10:41 SA | 55
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ năm 2025, ngày 17 tháng 02 năm 2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức phê duyệt đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp qua công tác thanh tra” do ThS. Nguyễn Đăng Hạnh, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đăng ký làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến luợc và Khoa học thanh tra, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt thuyết minh đề tài chủ trì cuộc họp.
...

Trình bày tại cuộc họp, ThS. Nguyễn Đăng Hạnh cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại các bộ, ngành và địa phương, qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp như: Thứ nhất, việc tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công bố danh mục thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; Thứ hai, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính còn nhiều sai phạm; Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nguyên nhân khách quan: (i) Pháp luật về thủ tục hành chính còn thiếu đồng bộ giữa văn bản quy phạm pháp luật chung về thủ tục hành chính với văn bản pháp luật chuyên ngành; (ii) Nguồn nhân lực thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa tương xứng với khối lượng công việc. Nguyên nhân chủ quan: (i) Lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về giải quyết thủ tục hành chính; (ii) Nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo đối với với công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính có nơi còn chưa đồng đồng đều, một số nơi còn chưa chấp hành nghiêp quy định về giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời chưa có sự chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Từ những vấn đề như trên cho thấy, việc triển khai nghiên cứu đề tài "Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp qua công tác thanh tra" là cần thiết.

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Thuyết minh đề tài nên bám theo trục nội dung là công tác thanh tra; mục tiêu nghiên cứu khoanh vào công tác thanh tra nên cần có sự minh định rõ; tính cấp thiết cần làm rõ hơn, nhấn mạnh đến tình trạng né tránh, đùn đẩy việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Nội dung nghiên cứu chính, Thuyết minh cần làm rõ, xoay quanh hoạt động thanh tra liên quan đến thủ tục hành chính, không chỉ làm rõ quan niệm, đặc điểm mà cần xác định phạm vi thanh tra, hướng tới chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính; làm rõ các yếu tố tác động đến công tác thanh tra; Nội dung 2 và Nội dung 3 bám sát vào trục nội dung thể hiện ở mục tiêu và Nội dung 1.

Tiếp theo, ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Thuyết minh đề tài cần làm rõ các khái niệm về thủ tục hành chính, thủ tục hành chính thông qua công tác thanh tra; bổ sung nội dung thanh tra, phương thức thanh tra; Nội dung 2 cần khái quát thực trạng giải quyết thủ tục hành chính, từ đó đánh giá thực trạng giải quyết thủ tục hành chính thông qua công tác thanh tra. Nội dung 3 cần tiếp cận theo hướng mục đích của thanh tra là phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, các giải pháp được đưa ra là để khắc phục bất cập, hạn chế của thủ tục hành chính và giải pháp về thủ tục hành chính thông qua công tác thanh tra.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng và đồng thời cũng là kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Văn yêu cầu Thuyết minh đề tài cần được sửa đổi, bổ sung những vấn đề sau: Mục tiêu nghiên cứu chung là nâng cao hiệu quả các kết luận, kiến nghị xử lý thanh tra công vụ có liên quan đến hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Đối tượng nghiên cứu là vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp qua hoạt động thanh tra công vụ. Trong phần tính cấp thiết, cần thể hiện thực trạng việc chậm muộn, quá hạn; ko đúng trách nhiệm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính. . Các công trình nghiên cứu có liên quan cần làm rõ những kế thừa, những nội dung chưa nghiên cứu; cần có những bình luận, đánh giá những công trình nghiên cứu có liên quan. Mục tiêu chung và nhiệm vụ còn chung chung, nên thể hiện lại. Nội dung 1 cần làm rõ khái niệm thủ tục hành chính, các loại thủ tục hành chính; khái niệm cải cách thủ tục hành chính; làm rõ các hoạt động thanh tra công vụ về thủ tục hành chính; làm rõ thanh tra trách nhiệm về thủ tục hành chính. Nội dung 2, thực trạng công tác giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp qua hoạt động thanh tra; cơ sở pháp lý là những quy định pháp luật, bộ thủ tục ban hành bằng thông tư; thực trạng giải quyết thủ tục hành chính cần đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; thực trạng giải quyết các bất cập nói trên qua hoạt động  thanh tra. Nội dung 3, phần quan điểm cần thể hiện rõ: Đánh giá đúng thành công, bất cập để định hướng cho giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; hình thành bộ thủ tục giải quyết hành chính; điều kiện bảo đảm để thực hiện bộ thủ tục hành chính; định hướng về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra. Phần giải pháp, kiến nghị được đưa ra theo những quan điểm đã được nghiên cứu.

Kết thúc cuộc họp, Hội đồng thống nhất phê duyệt Thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu trong năm 2025.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng