Hội nghị phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2025 “Hoàn thiện chế định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng”
Ngày 17/02/2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức Hội nghị phê duyệt Thuyết minh đề tài khoa học cấp cơ sở “Hoàn thiện chế định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng” (Hội nghị) theo kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2025 của Thanh tra Chính phủ. Đề tài do CN. Hoàng Văn Biên - Phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT đăng ký làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Trình bày Thuyết minh đề tài, CN. Hoàng Văn Biên cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng có giải thích khái niệm xung đột lợi ích, theo đó “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Thực trạng hệ thống các quy định pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong những năm qua cho thấy còn một số bất cập, tồn tại chủ yếu: Chưa có quy định cụ thể, trực tiếp về những tình huống, hoàn cảnh có thể nảy sinh, tồn tại xung đột lợi ích ở cả hai dạng là xung đột lợi ích thực tế và tiềm ẩn, do vậy, hiệu quả phòng ngừa còn hạn chế; thiếu quy định về chủ thể có thẩm quyền thực thi pháp luật về xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; chưa dự liệu đầy đủ các trường hợp để kiểm soát xung đột lợi ích, nhất là trong hoạt động công vụ, như: Thiếu quy định về công khai hoạt động của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ; một số quy định về phát hiện, xử lý xung đột lợi ích còn bất cập…; chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan nhà nước và xã hội trong việc phát hiện xung đột lợi ích; một số quy định hiện hành về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thiếu phù hợp, còn chung chung và thiếu tính khả thi… Từ những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện chế định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng” là cần thiết.
Mục tiêu chính của Đề tài là đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện chế định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài dự kiến nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng; ii) Thực trạng hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng; iii) Quan điểm, giải pháp hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trong phần nhận xét của các thành viên Hội đồng, TS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT - Ủy viên phản biện cho rằng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Đề tài đã xác định được nội hàm các nội dung cần nghiên cứu. Về phạm vi nghiên cứu, Đề tài chỉ nghiên cứu chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng hay mở rộng hơn ra ngoài phạm vi của Luật này. Về tính cấp thiết, Đề tài cần làm nổi bật sự cần thiết đưa xung đột lợi ích thành một chế định trong Luật Phòng, chống tham nhũng; phân tích khái quát hạn chế của chế định xung đột lợi ích trong quy định pháp luật hiện hành; phần tổng quan tình hình nghiên cứu cần có đánh giá sâu hơn, và cập nhật những công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây. Về nội dung nghiên cứu, nội dung 1, cần làm rõ sự cần thiết hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng và sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với mục tiêu của phòng, chống tham nhũng và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành; nội dung 2, Đề tài cần có thêm sự đánh giá thực trạng xung đột lợi ích trong thời gian vừa qua.
Theo ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin- Thư viện, Viện CL&KHTT - Ủy viên thư ký, Đề tài cần làm rõ quan niệm về chế định kiểm soát xung đột lợi ích; đối tượng nghiên cứu cần mở rộng hơn ngoài phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng. Về tính cấp thiết của Đề tài, cần nêu được vai trò kiểm soát xung đột lợi ích; khái quát thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích, những tồn tại, bất cập của kiểm soát xung đột lợi ích… Về nội dung nghiên cứu, nội dung 1, Đề tài cần đi sâu vào việc kiểm soát xung đột lợi ích, làm rõ chủ thể, đối tượng, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích; nội dung 2, Đề tài cần có đánh giá thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích, bao gồm phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích và phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; nội dung 3, phần giải pháp cần đề cập đến giải pháp tổ chức thực hiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích.
Theo ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch Hội đồng, Đề tài có cách tiếp cận tương đối rõ. Trọng tâm Đề tài cần làm rõ chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng và nghiên cứu đồng thời các quy định này trong hệ thống pháp luật có liên quan hiện nay. Về mục tiêu chung, Đề tài đề xuất quan điểm, nội dung và giải pháp hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Đối tượng nghiên cứu cần làm rõ chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chế định này. Phạm vi nghiên cứu, cần tập trung nghiên cứu các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, các nghị định hướng dẫn thi hành và thực tiễn thi hành ở Việt Nam. Về tính cấp thiết, Đề tài cần làm rõ vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích; cần tập trung vào chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng và có sự rà soát lại một số nội dung trong phần tính cấp thiết để đảm bảo tính logic và chính xác hơn. Về nội dung nghiên cứu, nội dung 1, Đề tài làm rõ những vấn đề chung về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích; những chế định về kiểm soát xung đột lợi ích; nội dung, yêu cầu, yếu tố ảnh hưởng đến hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích; Nội dung 2, cần sửa tiêu đề thành “Chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng và nhu cầu hoàn thiện”, trong đó, làm rõ quá trình xây dựng, hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; nội dung chế định này trong Luật Phòng, chống tham nhũng và thực tiễn thi hành; nhu cầu hoàn thiện chế định này; Nội dung 3, Đề tài cần tách quan điểm, nội dung và giải pháp thành mục riêng, trong đó giải pháp hoàn thiện pháp luật cần phân thành các bước hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật Phòng, chống tham nhũng…
Kết thúc Hội nghị, Hội đồng thống nhất phê duyệt Thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng